Ngày 14/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Xúc tiến thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp”.
Tọa đàm “Xúc tiến thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp". |
Theo VCCI, hiện Việt Nam có 16 đối tác chiến lược và một đối tác quan trọng là Hoa Kỳ, 17 đối tác này đang đầu tư gần 230 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 70% tổng giá trị đầu tư và 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần làn sóng đầu tư “thế hệ mới” với giá trị gia tăng cao, theo hướng thân thiện môi trường và định hướng phát triển bền vững. Vì thế, những đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ rất quan trọng.
“Doanh nghiệp là động lực chủ yếu trong việc tăng cường quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Chính phủ chỉ có thể tạo môi trường, định hướng và một số lĩnh vực dẫn dắt quá trình thúc đẩy thương mại đầu tư”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Hiện nay, VCCI đang được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, quan trọng”. Vì thế, VCCI đã quyết định thành lập “Mạng lưới quốc gia về xúc tiến thương mại đầu tư của Việt nam” (VITPN). Do đó, VCCI hy vọng các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư cùng tham gia vào mạng lưới này để kết nối với nhau, phối hợp với nhau để nâng cao hiệu quả thương mại đầu tư.
Về phía các đối tác chiến lược, ông Kim Han-Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, bên cạnh yếu tố Việt Nam là thị trường tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thì một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam đó là sự thay đổi bất ngờ từ Quy hoạch của các Nhà hoạch định chính sách không duy trì những chính sách ưu đãi như khi cam kết ban đầu.
Ví dụ như ưu đãi miễn 50% thuế thu nhập cá nhân khi đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng đã bị xóa bỏ đột ngột tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Quy định này đã được thể hiện rõ ràng trên Giấy chứng nhận đầu tư, các nhà đầu tư tin vào điều đó nên đã gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.
Ông Korcham Kim Han-Yong kiến nghị: “Cần xúc tiến các chính sách hỗ trợ đầu tư doanh nghiệp FDI một cách nhất quán bằng hệ thống FDI Control Tower để tránh gặp phải những trường hợp tương tự. Ngoài ra, để nâng cao tín nhiệm doanh nghiệp cũng như thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần tuân thủ các nguyên tắc ưu tiên áp dụng các quy định Luật pháp về các ưu đãi đầu tư”./.
Phải đột phá, tránh dàn trải về những ưu đãi đầu tư doanh nghiệp FDI