Chiều 28/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành về thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam: Chính sách ưu đãi thuế, tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Tổng hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ năm 2011- 2017 cho thấy quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%), cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi.
Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính nhận định, khối này đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 70%), thu ngân sách nhà nước (chiếm 15%). Cùng với đó, trong 30 năm qua, nước ta đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Các ưu đãi về tài chính tập trung vào 3 nhóm lĩnh vực ưu đãi: về thuế thu nhập doanh nghiệp; về thuế xuất nhập khẩu và về tài chính đất đai…
Qua thảo luận đại diện các bộ, ngành cho rằng, để hoàn hiện thể chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta cần phải rà soát lại chính sách ưu đãi về đất đai để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Để đảm bảo được tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế thì các yêu cầu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa rất quan trọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu kỹ hoàn thiện dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết. Qua đó, để hoàn thiện thiện nâng cao hiệu quả thu hút FDI cũng như về chính sách thuế, ưu đãi về thuế cho khối doanh nghiệp này.
Theo Phó Thủ tướng, cần có những nghiên cứu cụ thể đề ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư từ địa bàn sang ngành và lĩnh vực. Đối với những ngành và lĩnh vực cần thu hút đầu tư nhiều phải có chính sách ưu đãi nhiều. Phải có nghiên cứu để chuyển đổi ưu đãi về thuế, đầu tư thiên về quy mô vốn và lao động sang tiếp cận theo giá trị gia tăng, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có tính lan tỏa. Đặc biệt phải kết nối được với doanh nghiệp trong nước, tạo ra các chuỗi giá trị. Chú trọng tiêu chí, chính sách phù hợp với ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư trong bối cảnh công nghiệp 4.0 gắn với việc chuyển giao công nghệ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Cần có những cơ chế linh hoạt hơn kể cả những biện pháp phi tài chính như thời hạn dự án, hình thức đầu tư, sử dụng chuyên gia để thu hút các dự án lớn từ các Tập đoàn đa quốc gia. Nhất là thu hút các Tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển. Đối với việc quản lý thuế cần phải tăng cường năng lực thanh tra giám sát để chống chuyển giá"./.