Trong giai đoạn 2016 - 2020, diện tích cây ăn quả của vùng trung du miền núi phía Bắc tăng từ 185 ngàn ha lên 250 ngàn ha và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước (sau vùng ĐBSCL). Trong đó, nổi bật nhất là các tỉnh: Sơn La tăng từ 22 ngàn ha lên 58 ngàn ha. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã tự hào nói rằng: “Sơn La trở thành một điểm sáng, một hiện tượng trong nông nghiệp của cả nước”. Vì sao, Sơn La có được thành quả như vậy?
Dấu ấn của một Bí thư tỉnh ủy
Hành trình Sơn La đến với thành công trong nông nghiệp hôm nay là sự chuyển đổi từ tư duy đến hành động của hệ thống chính trị và bà con các dân tộc trong tỉnh. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất chia sẻ: “Sơn La có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa, trong đó tính thật thà, chất phác là điều kiện để chúng ta thổi luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi”.
Sơn La có diện tích đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất khá rộng, khoảng 1 triệu ha, nhưng trong đó có trên 90% là đất dốc. Theo ông Hoàng Văn Chất, đã là đất dốc thì chắc chắn phải phát triển cây dài ngày. Những năm 1970-1980 Sơn La đã trải qua lần di dân tái định cư, khi đó nhà nước hỗ trợ phần lớn là giống cây ăn quả. Cho nên đến 2015, Sơn La có khoảng 30.000 ha cây ăn quả. Nhưng cây ăn quả đa phần giống cũ, qua 30-40 năm đã trở thành cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn La.
Ông Hoàng Văn Chất nhớ lại: Khi bước vào Đại hội XIV năm 2015, trước đó cố gắng lắm Sơn La mới có được xã Chiềng Xôm đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bằng chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, qua 1 nhiệm kỳ, đến nay tỉnh đã có 44 xã đạt chuẩn NTM. Trong Đại hội 14, Sơn La đề ra 7 chương trình trọng tâm, trong đó có 3 chương trình liên quan đến nông nghiệp và nhấn mạnh “chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Do đó, ngay sau đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 9/2015 đến tháng 4/2016 Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nội dung trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao. Thời gian đó, bàn về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái chiều, vì có ý kiến cho rằng, đã là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì phải có nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu. Sau đó, thường vụ vẫn quyết định ứng dụng công nghệ cao, đã ứng dụng thì có mức độ. Nếu đưa ra một qui chuẩn cao quá thì dân không theo được. Tại thời điểm đó, Học viện Nông nghiệp đã có mô hình ghép mắt cải tạo cây. Sơn La chọn đây là một thành tự KHKT để đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Chất, phát triển cây ăn quả trên đất dốc thực chất là một cuộc vận động để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do đó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tỉnh Sơn La đã ban hành nghị quyết hỗ trợ mỗi hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp là 200.000 đồng, thời gian đó 8.000 đồng/mắt ghép, ghép cho mỗi hộ khoảng 16 mắt. Khi giúp các hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp thì phải định hướng cho hộ gia đình đó loại cây trồng phù hợp (bưởi, nhãn, xoài)… Khi hỗ trợ các hộ gia đình ghép mắt thì phải chuyển giao được kỹ thuật sau đó thì các hộ tự ghép mắt.
Mô hình 1 cây xoài hoặc 1 cây nhãn của một gia đình có 2 loại quả, loại quả tỉnh hỗ trợ ghép thì ưu việt hơn rất nhiều. Lấy nhãn của Thái Lan ghép vào gốc nhãn của mình, lấy xoài Đài Loan ghép vào gốc xoài của mình. Thời gian đó thực hiện với phương châm, từng hộ gia đình được tỉnh hỗ trợ ghép nếu ăn không hết sản phẩm thì cho, cho không hết thì nghĩ đến việc sản xuất hàng hóa lớn để bán chứ không đặt ra vấn đề lớn.
Trong 2 năm cả hệ thống chính trị vào cuộc, Sơn La hỗ trợ ghép mắt cho gần 90.000 hộ với khoảng 30% dân số của tỉnh, chi phí khoảng 18 tỷ đồng.
“Về mặt lý luận, đó là khi lực lượng sản xuất phát triển thì tỉnh giúp các hộ gia đình hình thành quan hệ sản xuất để đổi mới quan hệ sản xuất cho phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất phát triển. Cho nên, thời điểm đó, chúng tôi rất băn khoăn việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư hay phát triển hợp tác xã? Chúng tôi chọn luôn là phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Giai đoạn đó khó khăn lớn nhất là làm sao giải thích được HTX kiểu mới không như HTX kiểu cũ. Nhiều hội nghị lớn, tôi nói đến HTX là nhiều cán bộ dị ứng với khái niệm này” – ông Chất nhớ lại.
HTX đầu tiên hình thành và bắt đầu học nhau, nhờ có HTX tỉnh mới hỗ trợ và đưa được vào qui trình sản xuất sạch để làm sản phẩm Vietgap, dán tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ công nghệ tưới nhỏ giọt… Tỉnh tiếp tục hỗ trợ bà con làm thương hiệu. Sau 1 năm những hộ không tham gia HTX thì không bán được sản phẩm, vì sản phẩm ít thì bán được khi nhiều lên thì không bán được. Có những mô hình HTX còn làm tốt việc phát triển kinh tế với trách nhiệm xã hội, ví dụ như HTX Ngọc Lan của Mai Sơn, khi đã đủ lớn thì kết nạp các thành viên của HTX là các gia đình nghèo để xóa nghèo. Một HTX ở Long Hẹ, Mộc Châu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, tất cả đều trình độ đại học…
HTX phát triển nhưng đều là những HTX trẻ nên có những khâu tỉnh phải làm chứ HTX không làm được hoặc phải đợi rất lâu như: công nghệ chế biến, thị trường nước ngoài, vốn đầu tư. Tỉnh quyết định phải tập trung 1 đợt kêu gọi các nhà đầu tư. Cái khó nhất của 4 năm trước là phải làm sao để nhà đầu tư tin HTX, liệu HTX có bán cho mình nguyên liệu sạch hay không, nói thế nhưng có làm vậy không. Và giám đốc các HTX phải tin các tập đoàn kinh tế, khi họ vào thì lợi ích của họ phải tăng lên. UBND tỉnh đã giải quyết được những băn khoăn này của hai bên. Thời gian đầu tỉnh tạo điều kiện cho các DN đầu tư các công nghệ vừa phải, ví dụ như chế biến sắn, chanh leo, sau đó lực lượng sản xuất phát triển, khoa học phát triển thì các tập đoàn kinh tế tăng niềm tin, bắt đầu đầu tư vào công nghệ.
“Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, giá bán sản phẩm bình quân bằng một nửa hoặc 2/3 so với năm trước. Nhưng Sơn La rất vững vàng vì giá thành 1 kg chưa đến 5.000 đồng, nhãn chưa đến 5.300 đồng. Nếu bán thấp nhất cũng 10.000 đồng/kg, nên giá bán vẫn cao hơn giá thành sản xuất”- ông Chất cho biết thêm.
Nông nghiệp Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV (2020-2025) có nhiều nội dung mới, nhưng trong nông nghiệp Sơn La đặt ra 3 nội dung rất trọng tâm: Mục tiêu phát triển của Sơn La là thúc đẩy phát triển xanh, xây dựng phát triển xanh và bền vững; Sơn La lần đầu tiên đưa vào nghị quyết: Nông nghiệp của Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; nhấn mạnh nông nghiệp hữu cơ. Sơn La tiếp tục khẳng định sản phẩm của Sơn La phải có uy tín, chất lượng và dứt khoát phải sạch.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, 5 năm gần đây tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là cơ cấu nông nghiệp của Sơn La đã chuyển theo hướng khai thác lợi thế rất rõ. Trong 5 năm đã chuyển đổi được từ 25.000 ha cây ăn quả bây giờ là 75.000 ha, gấp 3 lần diện tích cây ăn quả trước đó. Kết quả này phản ánh đúng lợi thế tài nguyên đất, khí hậu tốt, chuyển dịch từ cây lúa, từ cây ngô, cây lương thực kém hiệu quả sang cây ăn quả, cây cho giá trị rất cao và phù hợp với nhu cầu thị trường, không chỉ trong nước mà còn thị trường thế giới.
“Làm được điều đó khẳng định một điều là ý Đảng lòng dân, sự vào cuộc đồng bộ của ba khu vực: khu vực Chính phủ, đó là hệ thống chính quyền các cấp, tập trung bằng cơ chế bằng chính sách, bằng sự chỉ đạo rất cụ thể. Thứ hai, sự vào cuộc của các doanh nghiệp; tỉnh, Trung ương đã mời gọi các doanh nghiệp, đến nay riêng cây ăn quả đã có tới 37 cơ sở chế biến, trong đó có 11 nhà máy rất hiện đại. Và cuối cùng là sự vào cuộc của người nông dân; trong một thời gian rất ngắn đã thành lập 538 hợp tác xã kiểu mới của người dân, tự người dân làm.
“Như vậy, một chủ trương đúng với sự vào cuộc đồng hành của cả khu vực nhà nước, cả khu vực doanh nghiệp, người dân tin tưởng sẽ thành công và hiện thực đã trả lời. Đây cũng là nguyên nhân tại sao có hiện tượng Sơn La trong nông nghiệp thời gian qua” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định./.