Nguy cơ thủy sản thiếunguyên liệu vào cuối năm
13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra. Các tỉnh/thành phố này đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, về ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương hiện đã dần được tháo gỡ.
Giá tôm xuống thấp trong tuần trước, hiện bắt đầu tăng trở lại. Nguyên nhân do các địa phương (Cà Mau, Sóc Trăng…) đã tháo gỡ khó khăn tại nhà máy chế biến thủy sản, hình thành vùng xanh, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy.
Tuy nhiên, giá cá tra giống rất thấp 21.000-23.000 đồng/kg; giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài khoảng 21.000 đồng/kg; giá tôm xuống thấp nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.
Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở (có ca nhiễm Covid phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ). Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng chỉ thị 16. Do TP.HCM và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thủy sản ở các tỉnh phía Nam khoảng 5 triệu tấn, phải thu nhanh và giải quyết được khó khăn ở khâu chế biến. Đặc biệt, 14 cảng cá có trường hợp F0. Một số cơ sở giết mổ, chế biến cũng có trường hợp dương tính với Covid-19. Cần các biện pháp phòng chống dịch bệnh các cơ sở này để hoạt động trở lại.
“Bởi các đơn vị này giữ vai trò trung gian trong kết nối vùng nguyên liệu với thị trường, nếu các cơ sở này không hoạt động sẽ gây ách tắc nông sản. Vấn đề nữa là phải có giải pháp để các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị phải hoạt động trở lại. Vì các hệ thống này chiếm 65-70% nông sản tiêu thụ” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Nhiều mặt hàng nông sản giảm giá, nông dân chịu lỗ
Theo Bộ Công Thương, giá lúa tại ĐBSCL ngày 16/8 một số giống tăng 100 đồng/kg, nếp 3,5 tháng giảm 50 đồng kg; các giống lúa khác ổn định như tuần trước là Đài Thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật và giống OM5451 tăng 200 – 300 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn công tác thu mua.
Tuy nhiên, một số cây ăn quả vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa.
Cụ thể, thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán thấp tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao.
Nhãn đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm bằng khoảng 50% so với năm trước, nhãn Eldor tại vườn 8.000 - 10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp 1.500 - 2.000 đồng/kg. Thương lái thu mua ít do tiêu thụ chậm.
Giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Thịt lợn hơi 50.000–54.000 đ/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp hơn 10.000đ/kg… Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản đã cả thiện, nặng nhất là ngành lúa gạo 2 tuần gần đây đã cải thiện mặc dù tốc độ còn chậm, chưa được như kỳ vọng.
“Câu chuyện giá nông sản là rất phức tạp, không thể lấy 1 ví dụ cụ thể để nói rộng ra toàn vùng. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành đã có nhiều văn bản hướng dẫn tránh “ngăn sông cấm chợ” và đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, nông sản lưu thông tiêu thụ còn ách tắc một số chỗ. Chúng ta quá trung thành với 4 tại chỗ, nhiều khi thông đầu trên nhưng lại kẹt phía duới” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Các địa phương phân biệt vùng xanh, vùng vàng và vùng đỏ, chia ra để giảm thiểu sự căng thẳng trên toàn địa bàn. Các địa phương cần hình thành các nhóm để tập hợp được đội ngũ thương lái. Phải đảm bảo được thu nhập của người nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu./.
Mỗi ngày, Tổ công tác 970 của Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản...