Năm 2016 đã khép lại với những dấu ấn đậm nét của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, sôi nổi và đầy hứng khởi.

Những nền tảng này sẽ tiếp tục được phát huy hơn nữa trong năm 2017, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

PV:Năm 2016 đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông có thể chia sẻ một vài suy nghĩ, dự cảm của mình về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Năm 2016 quả thực có nhiều khó khăn. Ảnh hưởng thiên tai BĐKH, sự cố môi trường miền Trung ảnh hưởng kinh tế khoảng 0,5% GDP. Nhưng nhìn chung nền tảng kinh tế vẫn giữ tốt.

tiensi_mglu.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tăng trưởng GDP gần 6,3%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, có thặng dư thương mại, dự trữ ngoại tệ lớn chưa từng có, tỷ giá ổn định.

Chính vì những nền tảng đó, tôi tin rằng nền kinh tế 2017 sẽ có chuyển biến tích cực, khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định đó là nền tảng quan trọng nhất để đầu tư.

Năm 2017, ngoài kinh tế vĩ mô ổn định còn có một loạt chính sách, môi trường kinh doanh tốt hơn. Những nỗ lực cải cách khác của Chính phủ, như một loạt các cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh. Với sự phát triển của doanh nghiệp rõ ràng cơ hội kinh tế, việc làm nhiều hơn. Suy cho cùng mọi chính sách kinh tế đều nhắm đến việc làm.

Chuyện GDP quan trọng nhưng quan trọng hơn là mỗi người dân đều có việc làm để mưu cầu hạnh phúc. Năm nay với thúc đẩy như vậy tôi dự cảm là sẽ có tăng trưởng bền vững.

PV: Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm. Theo ông, từ thông điệp đến hành động thực tế như thế nào, điều này đang có sức lan tỏa ra sao?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Chính phủ liêm chính là một Chính phủ không tham nhũng, coi trọng việc công, tận tụy tối đa với lợi ích của đất nước hơn là lợi ích của phe nhóm.

Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ hiểu được động lực của phát triển, điều kiện của phát triển và tạo ra động lực cho phát triển, thấy được cách thức cho kinh tế xã hội phát triển.

Chính phủ hành động nghĩa là nói đi đôi với làm. Ba việc này không dễ, đòi hỏi quyết tâm cao. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ tạo sự hứng khởi mới cho doanh nghiệp. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng kinh tế, vì người dân, doanh nghiệp tin vào đấy sẽ làm ăn, kinh tế mới phát triển.

Bên cạnh đó, từ nói đến việc làm là cố gắng rất lớn. Đưa ra thông điệp rồi thì phải đưa vào cuộc sống. Với quyết tâm Chính phủ hành động có thể tin rằng thông điệp đó sẽ được triển khai.

Tuy nhiên, những thông điệp đó không phải là dễ, phải quyết tâm lớn mới thực hiện được.

Lấy ví dụ về Chính phủ liêm chính, rõ ràng nạn tham nhũng đang là nguy cơ lớn. Muốn có Chính phủ liêm chính thì phải đấu tranh chống tham nhũng, phải có cải cách thể chế sâu rộng hơn và quyết tâm chính trị cao hơn.

Chính phủ kiến tạo phải hoạch định được đường lối phát triển, và xây dựng năng lực phát triển của Chính phủ, của doanh nghiệp. Thực tế, Chính phủ cũng đang nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng lĩnh vực và theo chuẩn mực thế giới.

PV: Nói về xây dựng một Chính phủ liêm chính, Thủ tướng mới đây cũng có chỉ đạo cụ thể, thậm chí nói rõ “Tết này, lãnh đạo tỉnh không phải đi thăm thành viên Chính phủ”. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều chỉ đạo của cấp trên nhưng cấp dưới chỉ "vâng, dạ" rồi không làm. Rõ ràng nỗ lực của Chính phủ mà một chuyện, nhưng sự chuyển động của địa phương, của các cấp lại là một chuyện khác. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Chính phủ quyết tâm thì tạo được tấm gương và áp lực cho bên dưới. Ví dụ chỉ thị của Thủ tướng là địa phương không lên Trung ương để tặng quà cho thành viên Chính phủ. Điều này rất cần cho một Chính phủ liêm chính.

Ở Mỹ, những quà trên 300 USD là quà của Nhà nước. Chẳng hạn vừa rồi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam, họa sỹ Văn Dương Thành tặng Tổng thống Mỹ bức tranh Hà Nội.

Nếu bức tranh được định giá trên 300 USD, Tổng thống Mỹ muốn sở hữu thì phải mua. Còn nếu không đó là của Nhà nước. Thì đó là liêm chính.

Còn bây giờ tặng quà mà nhận thì còn gì là liêm chính. Lúc ấy muốn hay không thì vẫn có hành vi xử lý công việc có lợi cho người tặng quà mình, như vậy chí công đâu còn.

Vì vậy chỉ đạo là rất quan trọng, làm được như vậy thì tốt cho xã hội. Nhưng chỉ đạo là vậy nhưng địa phương cũng phải thực hiện nghiêm. Vì nếu địa phương này làm, địa phương khác không làm thì lại băn khoăn, lo lắng.

PV:Năm 2016 chứng kiến một làn sóng khởi nghiệp mạnh chưa từng có và cũng lần đầu tiên đạt kỷ lục hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây phải chăng là kết quả của Chính phủ hành động, với một loạt các quyết sách thiết thực và cụ thể. Ông nghĩ sao về khởi nghiệp kinh doanh năm 2017 này?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là một hiện tượng chưa từng có, nó gắn với chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước, coi kinh tế tư nhân là động lực. Sau đó được thúc đẩy bằng những chương trình hành động của Chính phủ rất quyết liệt, trong đó có cả các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, hình thành vườn ươm khởi nghiệp, quỹ thúc đẩy khởi nghiệp.

Con số 100.000 doanh nghiệp là kết quả của chính sách. Những nỗ lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, như Bộ Công Thương bỏ hàng loạt quy định, thủ tục hành chính.

Bộ Tài chính cũng có chuyển động mạnh. Môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí cắt giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn.

Tuy nhiên tôi thấy rằng, trong môi trường chung thúc đẩy khởi nghiệp thì Chính phủ cần có bước đệm hỗ trợ. Thống kê thế giới cho thấy 90% khởi nghiệp là thất bại, nhưng 1-2% thành công đôi khi cũng rất quan trọng.

Khởi nghiệp như Bill Gates hay Microsoft ảnh hưởng đến cả thế giới. Thực tế, rất cần quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào nơi rủi ro cao, đầu tư khởi nghiệp nếu thắng lợi thì hiệu quả lớn, nhưng cũng có rủi ro. Chứ lại đi vay ngân hàng để đầu tư, mà thất bại thì lại khó khăn.

Cho nên đi theo thúc đẩy khởi nghiệp thì hình thành hệ thống đầu tư mạo hiểm là quan trọng. Một mặt là thúc đẩy nhưng một mặt phải hiểu, như khởi nghiệp công nghệ cao cần những điều kiện gì. Chúng ta không thể thúc đẩy khởi nghiệp theo phong trào rồi vay ngân hàng để rồi sau này phải xử lý nợ xấu thì rất nguy hiểm.

PV: Năm 2017, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, đây được cho làm một mức khá cao trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo ông, liệu mục tiêu này có khả thi không, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Năm nay chúng ta đạt tăng trưởng 6,3%. Phấn đấu 6,7% là cao, nhưng cũng phải là không có căn cứ.

Trước hết là kinh tế vĩ mô ổn định, rồi tiếp theo vai trò doanh nghiệp tư nhân được thúc đẩy, phát triển, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh.

Người dân thấy nền kinh tế vĩ mô ổn định thì có niềm tin đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó dù Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đối mặt thách thức nhưng các hiệp định khác vẫn phát huy tác dụng như vậy thị trường rộng mở một bước.

Ngoài ra, những cải cách tạo điều kiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, năm nay phát huy tốt hơn.

Cuối cùng là các nhà kinh tế cho rằng, chúng ta đang bước vào chu kỳ tăng trưởng trong ngắn hạn mới. Đấy là những điều tôi thấy có căn cứ để đạt mục tiêu tăng trưởng.

PV:Câu chuyện về hội nhập có lẽ vẫn sẽ rất “nóng” trong năm 2017, nhất là khi có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Việt Nam sẽ phải chủ động như thế nào để ứng phó với các tình huống xảy ra?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Có TPP thì rất tốt, còn không có thì hiện chúng ta vẫn có hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nước như Hàn Quốc, một hiệp định rất mở và có lợi cho Việt Nam, Hiệp định FTA Việt Nam – EU đang thúc đẩy…Mình vẫn đang đi theo hướng hội nhập và thúc đẩy xu hướng này. Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động trong hoàn cảnh này.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đấy là chưa có TPP. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục khai thác thị trường này mà không cần TPP.

Ngoài ra chúng ta mở rộng thị trường với rất nhiều nơi. Chúng ta đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chúng ta đừng nhìn quá xa mà quên mất ở gần.

Thị trường trong nước rộng lớn với 90 triệu dân, cần định hướng khai thác thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang nhắm đến thị trường tiêu dùng Việt Nam.

PV:Mới đây, Chính phủ đã đưa ra các nhiệm vụ cấp bách trọng tâm để tái cấu trúc nền kinh tế, ông nhìn nhận như thế nào về những nhiệm vụ này và để đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cần có những hành động gì?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là những nhiệm vụ quan trọng. Nếu kinh tế phát triển về lâu dài thì cần thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng… đều là những nhiệm vụ cấp bách.

Chính phủ đang thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp mới, là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân như là động lực phát triên kinh tế.

Chúng ta vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần bán cổ phần như thế nào để chuyển đổi được quản trị. Nếu bán cổ phần mà không thay đổi được quản trị thì không cải cách được, vì vẫn là người cũ.

Cuối cùng thì doanh nghiệp đó vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, đóng thuế cho Việt Nam thì quan trọng là làm ăn được, không để thất thoát, giải quyết công ăn việc làm, tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cần có cái nghìn rộng hơn là việc có được đa số cổ phần rồi có quyền bổ nhiệm. Từ đó dễ nảy sinh tiêu cực, rồi tham nhũng, “lắt léo” trong việc chọn người làm tha hóa cả hệ thống.

Tôi nghĩ nhà nước cần giữ cổ phần “ăn theo”, doanh nghiệp làm ăn tốt thì mình được, chứ không cần bỏ ra nguồn lực khủng khiếp để quản trị, quản trị để dành cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Nhà nước có thời gian để áp đặt việc tuân thủ pháp luật, tạo dựng chính sách. Các cải cách khác thì Chính phủ cũng đang lên kế hoạch, tôi có niềm tin là với quyết tâm hành động thì chúng ta sẽ thực hiện được.

PV:Xin cảm ơn ông!./.