Mở đầu cuộc toạ đàm, ông Kyle Kelhowfer - Giám đốc Khu vực, Văn phòng IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhận xét: “Việt Nam đang là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, với doanh nghiệp nắm giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hiệu suất của các doanh nghiệp nói riêng đang tuột dốc”.

Trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế về thực thi các hiệp định thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc VCCI đặt câu hỏi: liệu doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự sẵn sàng gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bà Trang cho biết, thực tế đa số các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ BIẾT về TPP qua phương tiện truyền thông chứ chưa hoàn toàn HIỂU rõ về hiệp định này.

tpp_copy_xwrk.jpg
Các đại biểu tại toạ đàm thảo luận về Hiệp định TPP và các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi

Ngoài ra, bà Trang cũng trăn trở về những vấn đề xung quanh các yếu tố bên trong và ngoài bao gồm nội dung cam kết, thực thi cam kết cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập TPP.

Tham gia buổi toạ đàm lần này ngoài Ngân hàng Thế giới, Trung tâm WTO và Hội nhập cùng với các chuyên gia phân tích kinh tế trong nước còn có rất nhiều đại diện từ những hiệp hội và doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - ông Nguyễn Tôn Quyền chỉ ra những khó khăn của ngành xuất khẩu gỗ trong nước trên thị trường thế giới do nhiều hạn chế về năng lực, công nghệ cũng như tiếp cận thị trường.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng cho biết, hiện nay có rất nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp trong nước không thể chạm tới thành công, bao gồm các khoản thuế và phí thủ tục đang ngày càng trở thành gánh nặng, trong khi đó các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ không đem lại được hiệu quả cao như mong đợi.

Kết thúc buổi toạ đàm, từ góc độ thể chế, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP và yêu cầu cải cách thể chế pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh mở và minh bạch, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam thành công trong và ngoài nước trong tương lai./.