Với tác động của việc giảm dần tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan, Hiệp định TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn nhất từ trước tới nay.

Các nước thành viên TPP sẽ có điều kiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất công nghiệp theo đúng lợi thế so sánh của từng thành viên, từ đó đem lại hiệu quả cao và sự cạnh tranh bền vững.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với quá trình sản xuất công nghiệp của các nước thành viên trong đó có Việt Nam. Một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu có thể sẽ lâm vào tình trạng khó khăn.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vấn đề công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay chưa có tiền lệ, do đó, với các hiệp định tự do hóa hiện nay, không gian chính sách chắc chắn sẽ thu hẹp mặc dù vai trò của nhà nước vẫn còn rất lớn, nhưng cái lớn hơn chính là cách thức sống và cách thức sản xuất kinh doanh thay đổi cực kỳ lớn, đây chính là bối cảnh hiện nay Việt Nam phải đối mặt.

“Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong hội nhập kinh tế thế giới dù chúng ta có bằng lòng hay không thì vẫn buộc phải thay đổi. Thế giới ngày nay đang bị chi phối bởi các tập đoàn xuyên quốc gia, mạng sản xuất và chuỗi giá trị nên chúng ta không thể tách họ ra mà phải bắt tay liên kết. Cái bắt tay này có thể không mang tới thành công nhưng nếu không bắt tay thì chắc chắn sẽ không thành công”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay đòi hỏi sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm công nghiệp nói riêng phải theo những tiêu chuẩn mới, xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn và đây cũng là tiêu chuẩn thông lệ của thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ từng ngày, liệu Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp cung cấp hàng hóa thay thế Trung Quốc hay không là vấn đề cần phải đặt ra.

“Chúng ta đều biết Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi tương đối trong TPP, đó là tiềm năng và cơ hội. Những ngành công nghiệp của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất lại là những ngành rất điển hình về mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, điện tử… Trong một chừng mực nhất định, một số ngành nông sản, thủy sản của Việt Nam đều gắn với quá trình công nghiệp hóa và chịu sự tác động của Hiệp định TPP”, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ.

dsc_1003_akjz.jpg
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trao đổi với báo giới về cơ hội và thách thức của công nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP.
Sản phẩm yếu thế phải tìm “thị trường ngách”

Nhận định của các chuyên gia cũng cho rằng, khi đã nhận diện được những thách thức khi tham gia Hiệp định TPP, với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, với sự nỗ lực, sáng tạo và ý chí của toàn xã hội cũng như của các doanh nghiệp, Việt Nam có thể vượt qua được các thách thức, tận dụng cơ hội do hiệp định TPP mang lại để phát triển nhanh và bền vững.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Việt Nam đã ưu tiên phát triển công nghiệp hóa từ rất sớm với mô hình phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý. Sau quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hiện nay là các FTA, thách thức rất lớn là Việt Nam sẽ phải tiến hành công nghiệp hóa như thế nào?

Bởi vì khi tham gia TPP, Việt Nam mở cửa để nhập các sản phẩm công nghiệp của những đối tác mạnh hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu so sánh với các quốc gia khác như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), các quốc gia này mở cửa khi đã công nghiệp hóa thành công nhưng đã phải cạnh tranh một cách hết sức gay gắt. Do đó, sống trong thế giới biến động và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, hi vọng nền công nghiệp Việt Nam có một sự phát triển bình yên, ổn định là một mơ ước cần sớm phải được từ bỏ.

“Chúng ta phải chấp nhận có thắng và có thua, có những điều muốn vươn lên được cần phải tự đổi mới mình. Với việc gia nhập Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, công nghiệp hóa của Việt Nam phải bước sang một giai đoạn mới và đương nhiên phải đối mặt với “bẫy tự do hóa thương mại”. Phải tiến hành công nghiệp hóa như thế nào là câu hỏi cần phải được trả lời sớm”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.

Chỉ rõ những phương cách hữu hiệu để đáp ứng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp trong xu hướng tự do hóa thương mại, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần phải tìm ra những sản phẩm có thế mạnh hơn các quốc gia khác, hoặc bắt đầu bằng các sản phẩm thích ứng với “thị trường ngách”. Ví dụ như các sản phẩm chế biến đặc trưng của thủy sản và nông nghiệp, từ đó vận dụng công nghệ sinh học để chế biến và trụ vững bởi một số mặt hàng nhất định, là cơ sở của những sản phẩm công nghiệp chủ lực.

“Hiện nay điện thoại di động đang là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn chỉ là mặt hàng gia công cho đối tác nước ngoài. Để tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho những sản phẩm này, Việt Nam cần phải phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, muốn vậy phải phát triển công nghệ cho ngành nhựa, vi mạch điện tử và muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh, theo TS. Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau cũng như liên kết với đối tác nước ngoài, sẵn sàng mời đối tác nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu dự án với tỷ lệ 30 – 40%. Điều này vừa để giữ được thương hiệu Việt, vừa nắm bắt được công nghệ mới, cách quản trị mới.

Và để hiện thực hơn nữa đáp ứng yêu cầu của Hiệp định TPP, doanh nghiệp Việt Nam cần từ bỏ ngay cách kinh doanh bằng mối quan hệ, thay vào đó bằng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới. Làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ tạo ra được sự khác biệt rất lớn trong thời gian tới đây./.