Hôm nay (12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi.

Theo phương án Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu như hiện nay lên 9 triệu đồng. Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được nâng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng.

Trước đó, ngày 11/9, VnEconomy dẫn Báo cáo ý kiến của Tiểu ban Chính sách và thu ngân sách thuộc Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho hay, việc nâng mức giảm trừ như vậy là cao và chưa đảm bảo tính hợp lý xét dưới cả góc độ kinh tế cũng như xã hội. Theo đó, Ủy ban này cho rằng chỉ nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 7 triệu đồng (thay vì 9 triệu) và mức giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng (thay vì 3,6 triệu) là hợp lý. Quan điểm của Ủy ban là các mức Bộ Tài chính đưa ra là cao và sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân.

7 triệu không phải là thấp

Trao đổi với VOV, bà Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính) cho biết: “Quan điểm ban đầu của tôi là mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Bộ Tài chính là khá cao. Tuy nhiên, mức giảm trừ tăng hay giảm không phải là mấu chốt của vấn đề mà điều cần quan tâm nữa là giảm mức thuế suất cao nhất, giãn bậc thuế. Có nghĩa là phải đồng thời hai giải pháp chứ không phải chỉ có giải pháp tăng mức giảm trừ”.

Bà Lý Phương Duyên phân tích thêm rằng, mức giảm trừ 6 triệu hay 7 triệu thì không phải là thấp. Nhưng vì trong giai đoạn hiện nay do kinh tế khó khăn thì mới thấy đấy là mức thấp. Còn nếu so với tốc độ tăng trưởng kinh tế như khi ban hành luật năm 2009 thì không vấn đề gì.

“Nếu thuế TNCN chủ yếu đánh vào một số người thu nhập cao thì mức giảm trừ tăng là đúng. Còn nếu đánh vào những người có thu nhập thì ở khoảng 7-8 triệu là vừa phải” – bà Duyên nói.

Theo so sánh của chuyên gia Hiệp hội tư vấn thuế, mức giảm trừ cho người nộp thuế so với GDP bình quân đầu người các nước đều dưới 1 còn của Việt Nam thìtrên 2,5lần (Indonesia năm 2011 mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế 0,527 lần; Malaysia 0,312 lần; Thái Lan là 0,526 lần).

“Tôi nhất trí với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ, nhưng nâng lên mức như dự thảo luật là cao. Ngoài ra, nếu còn để tên luật thuế TNCN thì không nên bổ sung nội dung về điều chỉnh mức giảm trừ khi có biến động giá cả” – vị chuyên gia này bày tỏ ý kiến.

Cũng bàn về mức giảm trừ gia cảnh, theo ý kiến của bà Lý Phương Duyên, nghe thì thấy rất công bằng nhưng vì chúng ta không quản lý được thu nhập nên nó lại làm xói mòn cơ sở tính thuế, gây mất công bằng. Vì những người thu nhập cao họ đâu có bị kiểm soát chặt chẽ mà cơ quan thuế mới chỉ nắm được người làm công, ăn lương thôi. Ngoài thu nhập từ lương, các thu nhập khác thì không quản lý được.

7 triệu đã là khoan sức dân?

So với dự thảo ban đầu, nếu áp dụng mức giảm trừ là 7 triệu đồng thì đã tăng 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia, nếu thời điểm áp dụng thuế vẫn giữ nguyên như phương án của Bộ Tài chính (1/7/2013) đã là một sự cố gắng rất lớn và tạo điều kiện cho người nộp thuế (vì dự kiến ban đầu là đầu năm 2014).

“Mức giảm trừ gia cảnh đã tăng lên rồi thì khó giảm xuống trở lại được. Trong phương án của Bộ Tài chính có tính đến chuyện chỉ số giá tăng 20% thì được điều chỉnh mức giảm trừ đã là một cách rất mở, vì thế, chuyện có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra” – bà Duyên nêu quan điểm.

Thực tế, mức giảm trừ 9 triệu đồng được nhiều người ủng hộ vì trong giai đoạn hiện nay mọi người muốn tăng tiền tiêu dùng cá nhân lên. Tổng cầu đang giảm. Thực tế, phúc lợi xã hội cho từng người dân chưa cao nên muốn để tiền cho người dân tự chi tiêu.

Theo ý kiến của bà Lý Phương Duyên và nhiều chuyên gia kinh tế khác, mức giảm trừ gia cảnh không quan trọng bằng việc kiểm soát thu nhập như thế nào. Vì không kiểm soát được nên những người có thu nhập cao cũng không thu thuế được bằng những người thu nhập thấp. Vì thế mọi người mới bức xúc. Còn nếu công bằng, ai cũng nộp như nhau thì chắc mọi người sẽ không có thắc mắc gì. Giải pháp ấy cũng cần quản lý được cả người phụ thuộc. Nếu không thì việc giảm trừ gia cảnh có tăng lên mấy triệu thì cũng vẫn là thấp.

Về lo ngại việc tính thuế TNCN theo cách mới sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách, theo tính toán của một số chuyên gia của Hiệp hội tư vấn thuế, số người nộp thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ so với lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 2,670 triệu người nộp thuế đối với thu nhập năm là tiền lương và kinh doanh). So với số đối tượng có thu nhập phải chịu sự điều chỉnh của luật thuế TNCN thì tỷ lệ chiếm khoảng gần 30% trong đó gần 90% người nộp thuế nộp ở bậc 1 của biểu thuế; và số thu so với tổng thu ngân sách cũng chiếm tỷ lệ nhỏ (1 đền 2% GDP) nên việc tác động của chính sách thuế này đối với xã hội cũng chỉ vào một số nhỏ người nôp thuế. Nay nếu sửa nâng mức 9 triệu đồng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc thì trong số 1,3 triệu người nộp thuế từ tiền lương sẽ chỉ còn 0,300 triệu người nộp thuế./.