Trở về nước sau cuộc đàm phán TPP lịch sử tại Atlanta (Mỹ), là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ những ngày đầu, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chia sẻ về những điều gì đặc biệt đã khiến các thành viên TPP có thể đạt được thoả thuận thống nhất vào phút chót.

Có hy vọng, không ai muốn rời Atlanta…

Nhớ lại vòng đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ) lần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Các bộ trưởng gặp nhau ở Atlanta để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị các bộ trưởng TPP ở Hawaii vào tháng 7/2015. Đây là những vấn đề rất khó nên hội nghị tại Hawaii đã đổ vỡ, không kết thúc được. Đó là những vấn đề rất khó như: quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô, và liên quan đến thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, đặc biệt là các đàm phán song phương, mở cửa thị trường như dệt may, giày dép, sữa.

tran_quoc_khanh_thpa.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (Ảnh: KT)

Ban đầu, dự kiến đàm phán chỉ 3 ngày, nhưng đến ngày 2/10, có thông tin các nước Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ có thể đạt được thoả thuận với nhau về mặt hàng ô tô cho nên các Bộ trưởng quyết định rời ngày về và kéo dài Hội nghị Bộ trưởng thêm 2 ngày nữa.

Đến ngày 3/10, nhận được thông tin các nước thoả thuận được với nhau về vấn đề ô tô. “Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, Hiệp định TPP đã rất gần rồi và không một ai muốn rời Atlanta mà không có Hiệp định TPP cả”- ông Khánh kể.

Cũng trong ngày 3/10, xuất hiện lời văn thoả hiệp về vấn đề bảo hộ dữ liệu cho sinh dược. Rồi đến ngày 4/10, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Alanta nữa. Các Bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng đàm phán về mở cửa thị trường.

Trong đêm đàm phán cuối cùng, chúng ta kết thúc được vấn đề về dệt may với Hoa Kỳ và Mexico, vào nửa đêm 4/10 và rạng sáng 5/10. Sau đó, 3h30 cùng ngày 5/10, chúng ta kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ, rồi đến 3h20 (giờ Hà Nội) cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Hoa kỳ và Nhật Bản kết thúc và TPP kết thúc toàn diện.

“Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết vào khoảng cuối tháng 12/2015 hoặc đầu tháng 1/2016”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh. 

Đặc biệt, “thời điểm nút thắt nhất là lúc các bên tìm kiếm thời gian bảo hộ cho vấn đề độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược. Khi đến chiều mùng 4/10, chúng tôi nhận thấy rằng các nước đã thống nhất về vấn đề đó, tất cả đều biết sẽ có thỏa thuận TPP”- Thứ trưởng cho biết.

Trong những ngày đàm phán vòng cuối cùng này, Đoàn Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kể: “Đoàn Việt Nam nỗ lực cùng tất cả các nước làm nên vấn đề đa phương, đó là đóng góp to lớn của Đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng lần này tham gia hội nghị Atlanta đã có cuộc gặp rất quan trọng với một số Bộ trưởng như Bộ trưởng của Mexico, Hoa Kỳ, Đại sứ Roma, trong tất cả các cuộc gặp cấp Bộ trưởng đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã cùng các đối tác xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được”.

Điều gì khiến cho TPP trở thành một mốc lịch sử?

Rất nhiều Bộ trưởng các nước TPP đều cho rằng đây là hiệp định mang tính lịch sử, cá nhân Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì cho rằng “TPP là hiệp định cũng có tính bước ngoặt, bởi vì đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay, gồm 12 quốc gia. Trong khi ASEAN là khu vực có 10 nước, hơn nữa TPP là khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu. Khi có một Hiệp định để có khu vực thương mại tự do rất lớn như vậy là thời khắc rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.

Hơn nữa, so với các FTA trước đây, TPP cũng là một hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng lớn hơn và có mức độ cam kết sâu hơn so với các FTA trước đây, đó là điển hình của các FTA thế hệ mới. Nó đề cập không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, vật tư và các vấn đề thương mại phi truyền thống, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước. Lần đầu tiên các nước bàn bạc về doanh nghiệp nhà nước trong một khu vực thương mại tự do. Tức là bên cạnh các vấn đề thương mại truyền thống, các vấn đề mới, các vấn đề đặt ra trong đầu thế kỷ XXI. Chính vì vậy làm cho TPP khác biệt so với các khu vực thương mại tự do khác./.