Tận dụng lợi thế diện tích đất lâm nghiệp với gần 190.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển cây trồng lâm nghiệp chính như: Keo, mỡ, quế, tràm, đặc biệt là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chăm sóc, chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trong phát triển kinh tế đồi rừng đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống từ nghề rừng.

Nhận khoán giao đất trồng rừng từ năm 2002, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, ở khu 12, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khoảng 2 ha rừng tràm lấy gỗ.

Anh Thắng cho biết, diện tích rừng trồng sau 6 năm đã đến kỳ thu hoạch, ước tính với mỗi ha rừng tràm gia đình thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Mặc dù thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến đến đặt mua nguyên liệu nhưng anh quyết định sẽ trồng kéo dài thêm khoảng 2 năm nữa, lúc đó sẽ cho hiệu quả cao hơn gấp từ 2 đến 3 lần so với giá hiện nay.

trong_rung_cvwf.jpg
So với trồng rừng nguyên liệu chỉ đạt khoảng 80 m3 hoặc tối đa là 100 m3/ha/chu kỳ khoảng 6 năm, thu nhập chỉ đạt khoảng 100 đến 150 triệu đồng/chu kỳ. Trong khi đó, để chuyển sang cây gỗ lớn có thể đạt trữ lượng 250 m3, thậm chí 300 m3/ha/chu kỳ. (Ảnh minh họa).

"Năm nay tôi trồng đã gần 6 năm, cây nguyên liệu cũng bán được nhưng do kinh tế của mình chưa có nhu cầu sử dụng đến nên sẽ trồng thêm 7 đến 8 năm rồi thu hoạch, lúc đó bán được khoảng 140 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi 120 triệu. Hiện, cũng đã có 3 hay 4 doanh nghiệp tìm đến đặt hàng mua, đầu ra tiêu thụ thuận lợi vì cung không đủ cầu. Nhà nước sau này tạo điều kiện cho dân có thêm đất sẽ trồng thêm rừng để nâng cao thu nhập" - anh Thắng nói.

Mong muốn của anh Thắng cũng là nguyện vọng của khoảng 20 hộ trồng rừng ở khu 12. Ông Phạm Văn Quế, Trưởng khu dân cư số 11, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao cho biết, kể từ khi có chủ trương giao đất, giao rừng đời sống người dân địa phương ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do diện tích nhỏ lẻ nên chưa thể hình thành những vùng nguyên liệu tập trung.

So với trồng rừng nguyên liệu chỉ đạt khoảng 80 m3 hoặc tối đa là 100 m3/ha/chu kỳ khoảng 6 năm, thu nhập chỉ đạt khoảng 100 đến 150 triệu đồng/chu kỳ. Trong khi đó, để chuyển sang cây gỗ lớn có thể đạt trữ lượng 250 m3, thậm chí 300 m3/ha/chu kỳ. Bán gỗ đứng, cây chưa khai thác có thể mang lại thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/chu kỳ. Đây là hình thức phát triển rừng vừa bền vững, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng.

Ông Phạm Văn Quế chia sẻ: "Chúng tôi tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nên nhận đất của Nhà nước giao khoán trồng rừng vừa để cải thiện thu nhập vừa bảo vệ đất đai chống xói mòn, phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc. Nhưng, muốn làm gì cũng phải có vốn, nên tôi chỉ mong muốn có thêm các dự án hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư trồng những loại cây có hiệu quả kinh tế cao bởi trên thực tế những giống cao sản có giá khá cao trên thị trường".

Với diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên, tỉnh Phú Thọ xác định đây là tiềm năng và lợi thế trong phát triển  kinh tế của địa phương.

Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, Phú Thọ đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây quế.

Đồng thời huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gắn phát triển kinh tế đồi rừng với du lịch sinh thái để vừa thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất, quản lý, bảo vệ với phát triển rừng bền vững, góp phần ổn định cuộc sống, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng.

"Tháng 7 vừa qua, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển rừng cây gỗ lớn. Đặc biệt là chuyển đổi rừng keo - nguyên liệu giấy hiện nay sang phát triển cây gỗ lớn để nâng cao giá trị. Phát triển cây gỗ lớn không chỉ thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp mà còn mang lại thu nhập cao cho nông dân đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái" - ông Đỗ Ngọc Đoàn cho hay.

Những kết quả đạt được từ chuyển kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang là tiền đề phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, góp phần gắn trách nhiệm của người làm nghề rừng với việc hưởng lợi từ rừng./.