Đất nước ta đã thống nhất gần 45 năm và những người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong các lực lượng đã trở lại hậu phương hoặc chuyển ngành sang các lĩnh vực khác. Dù ở đâu, giữ bất cứ cương vị nào, làm bất cứ việc gì, các cựu chiến binh vẫn tiếp tục phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, tích cực tham gia các phong trào xã hội, thiện nguyện.

Trong những năm qua, phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh trên khắp mọi miền lãnh thổ Việt Nam hăng hái lao động, sáng tạo cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước. Nhiều cựu chiến binh đã phát huy tốt vai trò của “những người lính thời bình” trên mặt trận kinh tế, trở thành những doanh nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, hỗ trợ đồng chí, đồng đội thoát nghèo.

9819ccb_enye.jpg
(Ảnh minh hoạ)

Hàng chục năm qua, cựu chiến binh Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaibinh seed đã miệt mài lao động trên đồng ruộng, tìm ra những giống lúa mới cung cấp cho nông dân trong tỉnh và các vùng lân cận. Cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, với đồng ruộng, ông luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu ra những giống lúa mới với năng suất cao và chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong bối cảnh người trồng lúa còn gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu gạo chịu nhiều cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, với phẩm chất của người lính, ông không ngừng nghiên cứu, tìm giải pháp để  nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thị trường.

"Hạt gạo Việt Nam phải làm hai điều, điều thứ nhất là khi chúng ta tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển một phần diện tích đất sang để trồng cây trồng khác có hiệu quả cao hơn lúa, chúng ta vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực cho 20 năm, 30 năm nữa. Thứ hai là chúng ta phải tạo ra được những giống lúa có khả năng chất lượng đảm bảo yêu cầu của thị trường mà chúng ta có thể tham gia” - cựu chiến binh Trần Mạnh Báo nói.

Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hiện cả nước có trên 7.900 doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ, gần 160.000 trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác cựu chiến binh hộ kinh doanh dịch vụ có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Các doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác do cựu chiến binh làm chủ đã tạo việc làm cho hàng vạn cựu chiến binh và con em các đối tượng chính sách, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và của địa phương.

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, làm giàu cho địa phương và đất nước, các doanh nhân cựu chiến binh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đơn cử như cựu chiến binh Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Sơn, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện, tặng quà cho các gia đình khó khăn; vận động quyên góp xây cầu tặng cho người dân ở các địa phương.

“Bên cạnh việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp phí thuế cho Nhà nước thì tôi nghĩ trách nhiệm xã hội là một trong những điều mà cộng đồng doanh nhân phải làm. Với những cựu binh, tôi cho đây là trách nhiệm của người lính. Bác Hồ đã dạy rồi, ở mặt trận nào cũng phải chiến đấu và phải chiến thắng. Nếu như không đoàn kết giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ gia đình có công, gia đình chính chính sách thì tôi nghĩ rằng cựu chiến binh mà không đi đầu trong những phong trào này thì tôi cũng không biết là để trách nhiệm này cho ai” - ông Tùng chia sẻ.

Với tinh thần cựu chiến binh nêu gương sáng, trong thời gian qua, nhiều cựu chiến binh đã hiến kế, hiến công, hiến đất làm đường, hiến tài sản trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Cựu chiến binh Hứa Văn Chéo, ở thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã tự nguyện hiến 2 sào đất chạy qua đồi sắn và 2 sào đất chạy qua đồi vải đang cho thu hoạch của gia đình để làm đường dài hơn 20 km, nối từ trung tâm xã đến thôn, phá thế cô lập của thôn Đồng Mậm với các địa phương lân cận.

Kể về câu chuyện hiến đất làm đường của gia đình mình, ông Hứa Văn Chéo chỉ cười cho biết, ông và người dân trong xã, trong thôn hiến đất làm đường để người dân trong thôn đi lại đỡ vất vả.

“Quê hương tôi, nếu so xã Sơn Hải là đặc biệt khó khăn, đằng sau là dãy núi dài, phía trước là hồ, phải đi lại bằng thuyền bè. Không có đường biết là khổ như thế nào rồi, nhất là nếu đi thuyền, nhất là mưa gió, đi mà không về được. Có những bệnh cấp cứu đi lại rất khó khăn. Thôn vận động tôi hưởng ứng ngay,” ông Chéo nói.

Cho dù ở bất cứ vị trí nào, các cựu chiến binh vẫn hăng hái tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình trong phát triển kinh tế, hoạt động thiện nguyện cũng như chung sức, chung lòng trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Những việc làm tình nghĩa thể hiện tình cảm, trách nhiệm sự tri ân với đồng đội, đã góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đồng thời tạo điều kiện giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, làm tăng thêm niềm tin của Cựu chiến binh với Đảng, Nhà nước và của nhân dân với những cựu chiến binh./.