Nhìn cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi của gia đình chị Bàn Thị Thư, ở thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên khó có thể tin rằng, hơn 10 năm trước, chị đã phải lo từng bữa ăn.

Khi có chủ trương mở rộng diện tích trồng quế, gia đình chị Thư đã chuyển đổi toàn bộ số diện tích nương lúa kém hiệu quả sang trồng quế. Từ năm 2015 trở lại đây, bình quân mỗi năm quế mang lại cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng. Có nguồn thu ổn định, gia đình chị Thư đã làm được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, mua được xe ô tô và nhiều thiết bị gia dụng đắt tiền, điều mà trước đây có mơ cũng không thấy.

“Tôi vui lắm, so với trước đây làm nương, cố lắm cũng chỉ đủ ăn thôi. Trồng quế mới có tiền làm nhà, nuôi con ăn học, mua sắm được nhiều đồ dùng. Vậy theo tôi bà con người Dao ở đâu có đất rộng thì cứ trồng cây quế”, chị Thư chia sẻ.

que_11_oizb.jpg
Quế được trồng xung quanh trụ sở xã Đại Sơn.

Còn gia đình ông Hoàng Văn Thảo, ở thôn Đoàn Kết, xã Đại Sơn trước đây cũng là một gia đình khó khăn. Nhà có 4 người con nên hai vợ chồng phải cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn.

Trước áp lực các con lớn dần, nhu cầu ăn học cũng tăng theo, ông Thảo đã chuyển đổi toàn bộ số diện tích đất đồi gần chục ha sang trồng quế. Theo ông Thảo, quế tuy là cây lâu năm nhưng ở đất Đại Sơn lớn rất nhanh, sau 5 năm trồng là đã có thu nhập từ tỉa lá, cành, nhánh, rồi đến tỉa thưa lấy không gian cho những cây to đẹp phát triển… Từ đó, gần chục năm nay, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng từ quế. Do đó, ông đã có tiền làm một nhà xây, một nhà sàn gỗ khang trang; cung cấp vốn cho các con làm ăn và mua được ô tô đắt tiền.

“Trước đây chưa có cây quế làm thì cũng chỉ đủ ăn thôi. Nhờ trồng quế mấy năm nay, cuộc sống đã thay đổi khác hoàn toàn, bây giờ có nhà cửa, xe đẹp, được ăn ngon, mặc đẹp”, ông Thảo nói.

Sau 5 năm trồng, người dân đã có thu nhập từ tỉa lá, cành quế...

Những năm gần đây, cây Quế có giá cao và ổn định nên tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Văn Yên liên tục giảm mạnh qua các năm. Điển hình như xã Đại Sơn, kết thúc năm 2018 còn gần 33% hộ nghèo, nhưng dự kiến hết năm 2019 xã chỉ còn khoảng 17% số hộ nghèo.

Ông Lê Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn, huyện Văn Yên cho biết:“Quế là một trong những cây gắn bó với đồng bào người Dao hàng trăm năm nay và có giá trị kinh tế rất cao. Chính vì vậy, nhiều năm qua Đảng bộ xã Đại Sơn rất quan tâm đến phát triển cây quế, cây quế đã giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Nhờ cây quế nhiều hộ gia đình đã thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Trong những năm tới chúng tôi xác định cây quế vẫn là một trong những cây trọng tâm chiến lược của xã Đại Sơn”.

Hiện, cây Quế được trồng ở 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Yên, với tổng diện tích trên 40.000 ha. Sản lượng cho khai thác mỗi năm ước đạt 7.000 tấn vỏ khô, 66.000 tấn lá, trên 60.000m3 gỗ/năm. Cây quế mang về cho người dân trong huyện khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm.

Quế không những góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn, mà còn đóng góp đưa tỉ lệ hộ nghèo chung của huyện bình quân mỗi năm giảm trên 6%, dự kiến hết năm 2019 số hộ nghèo của huyện chỉ còn khoảng hơn 17%.

Những ngôi nhà tiền tỉ mọc lên trong rừng quế.

Để phát triển cây quế bền vững, hiện, huyện Văn Yên có 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh quế giống, mỗi năm cung cấp khoảng 50 triệu cây giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Song song với đó, huyện có chính sách hỗ trợ người trồng quế, đầu tư và kêu gọi đầu tư 60 nhà máy thu mua chế biến tinh dầu quế, bộ quế, đồ thủ công mỹ nghệ và thường xuyên xúc tiến thương mại qua các hội trợ, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm quế.

Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục giữ vững ổn định diện tích quế hiện có và thu hẹp diện tích cây trồng kém hiệu quả khác để đưa cây quế vào làm giàu cho bà con nhân dân. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm quế, sản xuất theo dây truyền hiện đại, chưng cất tinh dầu quế. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu bà con nhân dân sử dụng giống quế thuần, giống quế lá nhỏ của của huyện Văn Yên. Không nhập, sử dụng các giống quế từ các địa phương khác về làm thoái hóa giống quế của huyện”.

Những đồi quế ngày càng xanh tốt, ngút ngàn trên vùng cao Văn Yên, không chỉ giúp người dân thoát nghèo, đem đến cuộc sống ấm no cho những bản làng vùng cao, mà còn phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo ra môi trường trong lành cho những làng bản Văn Yên, Yên Bái./.