Theo Reuters, đêm qua (17/9), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở mức thấp kỷ lục trong gần 1 thập kỷ qua. Giới đầu tư nghi ngờ rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã ngăn cản tổ chức này tăng lãi suất.
Ngoài ra, sự biến động của thị trường tài chính và lạm phát thấp tại Mỹ cũng được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến FED tỏ ra chần chừ trong việc tăng lãi suất trong năm nay.
Hãng tin Bloomberg nhận định, quyết định của FED cho thấy ngân hàng trung ương này chưa muốn thắt chặt chính sách vì thị trường quốc tế nhiều biến động, các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng, và lạm phát ở mức thấp tại Mỹ.
Giới đầu tư theo dõi Chủ tịch FED Janet Yellen thông báo kết quả cuộc họp về lãi suất đồng USD qua màn hình tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 17/9. (Ảnh: Reuters). |
Rủi ro từ các yếu tố bên ngoài
Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết, một trong những mối quan tâm hàng đầu của FED hiện nay là tình trạng suy giảm kinh tế của Trung Quốc và các thị trường mới nổi. Bà Yellen cho biết, quyết định của FED không phụ thuộc vào biến động tăng, giảm của thị trường mà là những diễn biến cụ thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Lý giải nguyên nhân khiến thị trường biến động mạnh thời gian qua, người đứng đầu FED nhận định, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và giá dầu sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế mới nổi.
Sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã có ảnh hưởng toàn cầu, tác động mạnh tới các quốc gia sản xuất hàng hóa cơ bản. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index - chỉ số đo thị trường chứng khoán ở những quốc gia mới nổi – ở Brazil, Chile, Ai Cập và Trung Quốc đã giảm đáng kể từ đầu năm đến nay.
Hiện FED vẫn để ngỏ về khả năng tăng lãi suất, và cơ quan này sẽ có 2 cuộc họp chính sách nữa vào tháng 11 và tháng 12 năm nay. FED khẳng định sẽ tăng lãi suất khi thị trường lao động cải thiện hơn nữa, và dự báo lạm phát cũng sẽ tăng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp chính sách, bà Yellen nói rằng viễn cảnh quốc tế có vẻ đã trở nên bất ổn định hơn, trong khi việc chứng khoán Mỹ mất điểm và đồng USD tăng giá gần đây đang kìm kẹp thị trường tài chính và có thể cản trở tốc độ tăng trưởng của Mỹ.
Sự trì hoãn “chiến thuật”
Việc FED giữ nguyên lãi suất chứng tỏ Ủy ban Thị trường mở (FOMC - cơ quan giữ vai trò thiết lập lãi suất của FED) không lường trước được liệu các yếu tố kinh tế bên ngoài, chẳng hạn sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
“Thận trọng vẫn tốt hơn”, ông Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của ngân hàng Mỹ Bank of America, đánh giá về quyết định của FED.
Theo ông Harris, việc duy trì lãi suất ở ngưỡng 0-0,25% là một “sự trì hoãn chiến thuật” để thu thập thêm thông tin về rủi ro đối với các dự báo, và khi thị trường việc làm tiếp tục hồi phục, thị trường vốn cho thấy sự “bình tĩnh” trở lại, thì áp lực tăng lãi suất đối với FED sẽ tăng lên tại mỗi cuộc họp trong thời gian tới.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016, đánh giá cao quyết định của FED, cho rằng, hoãn tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại là hợp lý bởi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10%. Vấn đề cần làm trước khi nâng lãi suất là tạo thêm việc làm và trả lương cao hơn cho người lao động.
Đã tới lúc FED cần phải hành động để xây dựng lại tầng lớp trung lưu hiện đang “biến mất”, giống như cơ quan này đã từng làm để bảo lãnh cho các ngân hàng Phố Wall trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây bảy năm, ông nhấn mạnh./.