Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thị trường cao su nguyên liệu trong nước vẫn tiếp diễn trạng thái trầm lắng. Thủ phủ cao su Bình Phước bước vào giai đoạn ngừng cạo mủ; Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.
Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm đạt 349.000 tấn và 461 triệu USD, tăng mạnh 32,8% về khối lượng và 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 64,2%, 9,3% và 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Giá cao su trầm lắng do nhu cầu của thị trường thế giới giảm thấp. |
Mặc dù tăng về giá trị nhưng điểm đáng chú ý là giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.288 USD/tấn, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá cao su có thể tăng trở lại trong thời gian tới do thị trường kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Cụ thể là Chính phủ Trung Quốc bổ sung các biện pháp kích thích tiền tệ, có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay và sẽ cắt giảm thuế với quy mô lớn. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Tuy nhiên, Cục này cũng dự báo, trong năm 2019, mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của toàn cầu có thể sẽ chậm lại, ở mức 2,5%/năm.
Đồng thời, bất cứ động thái nào của Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên (Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam).
Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào những thị trường lớn như trước đây./.
Xuất khẩu cao su giảm trong 2 tháng đầu năm 2019