Từng thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ tích cực học hỏi các tiến bộ khoa kỹ thuật và nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn từ Hội Phụ nữ, bà H Nhuôl Niê ở buôn Hra B, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên, có cuộc sống ổn định.

Với hơn 4ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, điều và cao su đang trong giai đoạn kinh doanh, trong 3 năm qua, mỗi năm gia đình bà H Nhuôl Niê có thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Bà H Nhuôl Niê cho biết, gia đình bà trước kia là hộ nghèo cuộc sống chỉ trông chờ vào 5 sào đất được cha mẹ chia cho, thiếu vốn sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2004, thông qua Hội Phụ nữ xã, bà H Nhuôl Niê được vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

vov_tieu_fxlz.jpg
Bà H Nhuôl Niê chăm sóc vườn tiêu.
Có vốn, bà H Nhuôl Niê bắt đầu mua cây giống cà phê, hồ tiêu về trồng, tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật từ các hộ dân quanh vùng để áp dụng vào vườn cây. Bà còn cải thiện thu nhập bằng cách trồng xen các loại cây ngắn ngày, nuôi heo, gà và tích lũy vốn để mua thêm đất sản xuất.

“Trước kia cuộc sống của gia đình rất khó khăn, từ khi có chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, gia đình vay mua giống cà phê, giống tiêu và trụ tiêu để trồng và tích cực chăm sóc. Cùng với một số nguồn vốn khác, gia đình dần đầu tư thêm, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người có kinh nghiệm, từ các hộ đã thành công trước đó, đến nay cuộc sống đã đỡ hơn rất nhiều so với trước”, bà H Nhuôl Niê kể.

Nhờ tích cực làm ăn, đến năm 2016, gia đình bà H Nhuôl Niê chính thức thoát nghèo bền vững, trở thành một trong những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Bà H Wôn Niê, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Tul, huyện Cư Mgar đánh giá, từ một hộ nghèo, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng vốn vay có hiệu quả, gia đình bà H Nhuôl Niê đã có cuộc sống ổn định.

“Bằng cách sử dụng vốn vay hợp lý và tìm hiểu sâu về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, mô hình kinh tế của gia đình chị H Nhuôl Niê đã đem lại hiệu quả, giúp chị thoát nghèo. Đây là gương điển hình đáng để nhiều chị em học tập về nỗ lực vươn lên thoát nghèo thông qua nguồn vốn vay do Hội quản lý. Hội cũng thường xuyên vận động chị em nên học tập, nên tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông và Hội nông dân mở để nắm thêm kiến thức”, bà H Wôn Niê tự hào nói.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà H Nhuôl Niê còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho các chị em khác trong buôn và sẵn sàng cho các chị em mượn vốn để sản xuất.

“Qua thực tế sản xuất ban đầu gặp rất nhiều khó khăn về khoa học kỹ thuật, bản thân phải tự tìm tòi, học hỏi từ những người xung quanh để có thêm kiến thức, hiểu biết cũng như cách thức áp dụng cho mô hình của mình. Hiện nay, bất cứ chị em nào có nhu cầu tìm hiểu về cách thức trồng, chăm sóc tiêu đều được tôi sẵn sàng chia sẻ để các chị em cùng tham khảo”, bà H Nhuôl Niê cho biết.

Theo bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, Hội hiện đang quản lý gần 1.400 tỷ đồng vốn vay thông qua nhiều nguồn khác nhau. Từ nguồn quỹ này đã giúp cho hơn 52.000 lượt hộ gia đình hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhờ đó, riêng trong năm 2017, đã có hơn 2.250 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai nguồn vốn vay, hội viên phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số và phụ nữ sinh sống ở vùng biên giới được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh giao chỉ tiêu cho cơ sở để có địa chỉ cụ thể, hoạt động hỗ trợ cụ thể giúp các hội viên này thoát nghèo.

Nhờ vậy, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo, được nhiều chị em học tập, góp phần phát triển kinh tế gia đình và thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương./.