Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng nữ trang. Việc ban hành và thực thi thông tư này có thể thanh lọc các điểm kinh doanh không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kiểm định và đo lường nhằm tạo bước đi tiếp theo trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ.

PV: Thưa ông, Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có vai trò như thế nào trong quản lý thị trường vàng trang sức thời gian tới?

Ông Trần Văn Vinh: Căn cứ theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý về cân đo số lượng chất lượng vàng và quản lý về chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ trên thị trường.

Thông tư 22 được ban hành và có hiệu lực từ giữa năm 2014 đưa ra yêu cầu quy định làm sao để thống nhất được toàn bộ hệ thống về đo lường khối lượng vàng tại Việt Nam, đảm bảo chính xác theo yêu cầu quy định.

Thứ 2, chúng tôi thống nhất quản lý về tuổi vàng, đánh giá tuổi vàng và chất lượng vàng trang sức trên thị trường.  

PV:Thưa ông, Thông tư 22 khắc phục được những điểm yếu nào trong quản lý, đo lường chất lượng vàng trang sức thời gian qua?

Ông Trần Văn Vinh: Thông tư 22 có rất nhiều quy định nhưng vấn đề chính là làm thế nào để khẳng định các trang thiết bị về đo lường khối lượng phải được kiểm định, hiệu chuẩn, kết nối với máy chuẩn ở Viện Đo lường quốc gia và sau đó khối lượng tiếp tục được kiểm định tại các cửa hàng vàng.

Thứ 2, quyết định kết nối chuẩn vàng ở Việt Nam với chuẩn quốc tế. Tiếp nối đến việc kiểm định hiệu chuẩn đến các chuẩn thiết bị đo tuổi vàng ở các nơi sau này được phép là xác định tuổi vàng, tập trung vào vấn đề quản lý vàng trang sức như thế nào khi lưu thông trên thị trường, đưa ra yêu cầu về ghi nhãn đảm bảo để người bán hàng, người sản xuất kinh doanh phải công bố tuổi vàng, số lượng vàng ở trên sản phẩm vàng trang sức bán cho người tiêu dùng.

vang-trang-suc.jpg
Ảnh: Vietnamnet

Dựa trên việc công bố đó, có thể kiểm tra xác định tuổi vàng hoặc cơ quan quản lý, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương, quản lý thị trường hoặc các lực lượng khác của nhà nước đi kiểm tra sẽ so sánh việc công bố trên nhãn của sản phẩm hàng hóa có chính xác hay không.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên thống nhất việc các đơn vị kinh doanh vàng có những điều kiện, cách thức cụ thể để đảm bảo chất lượng vàng khi cung cấp cho người tiêu dùng.

PV:Thưa ông, còn 7 tháng nữa thông tư 22 chính thức có hiệu lực. Vậy cơ quan chức năng sẽ làm gì để Thông tư này thực sự phát huy hiệu quả thiết lập lại trật tự thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ thời gian tới.

Ông Trần Văn Vinh: Đây là lần đầu tiên chúng ta quy định các yêu cầu này như ghi nhãn hàng hóa, công bố cách thức quản lý chất lượng vàng trang sức cũng như tuổi của vàng trang sức, tuổi vàng.

Do vậy, để thông tư này đi vào đời sống, trong quá trình xây dựng thông tư chúng tôi đã làm việc với Hiệp hội vàng, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng. Đại diện của các doanh nghiệp đó đã cùng chúng tôi xây dựng và đưa ra yêu cầu quy định sát với thực tế.

Cùng với đó, chúng tôi đã tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị khác và việc quan trọng nữa khi thông tư có hiệu lực. Bên cạnh đó, khi có đầy đủ trang thiết bị, máy móc và nhân lực thì cần có thời gian để người tiêu dùng cũng như các đối tượng liên quan tuân thủ và áp dụng một cách tốt nhất. Đây là việc cần làm nhất trong thời gian tới của cơ quan chức năng cũng như các cơ quan thông tin đại chúng.

PV:Xin cảm ơn ông!.