Vài năm trở lại đây, việc giá sữa tăng đã không còn là điều bất ngờ đối với NTD. Bởi lẽ, các nhà nhập khẩu sữa luôn đưa ra rất nhiều lý do để tăng giá sữa và khoảng cách giữa các lần tăng giá cũng ngày càng gần hơn. Điều quan trọng là, sữa rất cần cho trẻ con, người già, người bệnh, cho nên, tăng bao nhiêu cũng vẫn phải mua. Các công ty sữa có lẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết nên cứ liên tục thao túng giá cả thị trường.
Người tiêu dùng "điêu đứng" trước giá sữa ngoại tăng chóng mặt. (Ảnh: Báo Tin tức) |
Trước tình trạng này, các bộ ngành chức năng như Y tế, Tài chính cũng đã bổ sung thêm những quy định để quản lý chất lượng, giá cả sữa như: Đã gọi là sữa bột thì phải có độ đạm trên 34% hay đưa sữa vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá…
Thế nhưng, những quy định như vừa nêu vẫn không góp phần ổn định được giá sữa mà còn tạo ra những kẽ hở để các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này có thể dựa vào đó mà tăng giá.
Ví dụ như, trước quy định 34% độ đạm trở lên mới được gọi là sữa, NTD chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nhưng chắc chắn rằng các công ty sữa đã “hô biến” các loại sữa dưới 34% độ đạm thành thực phẩm chức năng và tự do định giá vì đã thoát khỏi danh sách hàng bình ổn.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi NTD thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Bây giờ thị trường sữa rối loạn và quá sức chịu đựng của NTD, nhất là với những gia đình nuôi con nhỏ, nghèo. Ở Việt Nam giá sữa hiện cao gấp 4-5 lần so với các thị trường khác và còn có khuynh hướng tăng cao hơn nữa. Như vậy, vai trò kiểm soát của nhà nước để ổn định và giảm giá cho hợp lý thì vẫn chưa làm được. NTD đang hết khả năng chịu đựng”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, chỉ trong 3 năm gần đây, nhiều loại sữa đã có hàng chục lần điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng. Tốc độ tăng giá đó cho thấy các cơ quan quản lý chưa làm tốt chức năng của mình. Giá sữa tăng làm NTD lao đao trong khi cả hai Bộ Tài chính và Y tế đều chưa thực sự chịu trách nhiệm về việc này.
“Chúng ta đã buông lỏng công tác quản lý mặt hàng sữa. Mặc dù đã có Luật cạnh tranh quy định rõ thế nào là cạnh tranh không lành mạnh sữa là một trong những mặt hàng bình ổn giá, nhưng doanh nghiệp lại lách luật, không đưa vào bình ổn. Những quy định pháp luật sắp tới phải sửa theo hướng vì quyền lợi NTD, quản lý tích cực hơn, các bộ như Y tế, Tài chính phải ngồi lại với nhau và phải vì người dân”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu bày tỏ quan điểm.
Các chuyên gia kinh tế cũng đặt câu hỏi, tại sao đã có các văn bản quy định giá sữa, nhưng giá sữa vẫn cứ “nhảy múa” liên tục? Câu trả lời là những bất cập, kẽ hở trong quản lý giá sữa và bình ổn thị trường cùng với công tác quản lý kém hiệu quả đã gây ra tình trạng này.
Nhưng một nguyên nhân khác cũng được đưa ra đó là có hay không sự bắt tay nhau của các doanh nghiệp nhập khẩu sữa để cùng tăng giá thay vì cạnh tranh lành mạnh? Cả nước hiện nay có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nhưng dường như thị trường sữa chưa hề có sự cạnh tranh bằng việc ổn định giá. Việc các hãng sữa có liên kết bí mật để tăng giá hay không, có giảm giá nhập để trốn thuế hay không…phải có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì mới trả lời rõ ràng được.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chỉ rõ, sữa trẻ em và thuốc đặc trị là hai loại sản phẩm đang có sự lũng đoạn của các tập đoàn cung cấp từ nước ngoài và nhà nước chưa có biện pháp ngăn chặn được tình trạng này.
Theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý giá và bình ổn thị trường sữa một cách hiệu quả, những bất cập, những kẽ hở trong quy định của pháp luật về mặt hàng này cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung.
Trước mắt, cần định nghĩa lại cho đúng “thế nào là sữa” để tránh tình trạng “biến tướng” lách luật. Lần này, nếu Chính phủ có biện pháp mạnh với những trường hợp vi phạm và pháp luật cũng có thêm những quy định chặt chẽ đối với sữa - một mặt hàng thiết yếu - thì NTD sẽ thêm phần yên tâm./.