Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9, việc tăng giá sữa ngoại từ 15% -17% của một số hãng sữa trong thời gian qua (cụ thể từ đầu năm 2013 đến nay) chủ yếu do lợi dụng việc đổi tên gọi của sản phẩm này.
Theo đó, sữa và những sản phẩm từ sữa từ chỗ nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật giá đã được thay đổi thành tên gọi khác như sản phẩm công thức, sản phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng… theo quy định của Bộ Tài chính. Chính vì những tên gọi này đã biến sữa và sản phẩm từ sữa không thuộc diện điều chỉnh của Luật giá, do vậy không phải kê khai giá, không chịu sự quản lý của nhà nước về giá.
Ông Chiến cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (căn cứ vào công văn 8119 ngày 29/9/2013), Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ban hành danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa để Bộ Tài chính căn cứ vào đó sẽ quản lý giá theo quy định của Luật giá. Danh mục này phải được công bố trước ngày 5/10/2013. Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.
“Khi đưa sữa và các sản phẩm từ sữa vào diện phải quản lý giá của Nhà nước, chắc chắn việc kê khai giá không đúng với cơ cấu giá thành sẽ được hạn chế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh sữa thuộc diện phải kê khai giá xem cơ cấu giá có phù hợp hay không, nếu không phù hợp liên bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh”, ông Chiến khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Chiến, căn cứ theo danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa ban hành, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) hoàn toàn có chức năng kiểm tra các công ty kinh doanh sữa. Nếu không phát hiện hành vi thực hiện không đúng quy định giá trong kinh doanh mặt hàng này sẽ xử phạt nghiêm theo pháp luật./.