Mặc dù xuất khẩu dăm gỗ, viên nén gỗ và ván các loại tăng trưởng mạnh nhưng vẫn không đủ bù đắp giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ do sụt giảm liên tiếp trong các tháng 5, 6 và 7. Nguyên nhân do đồ gỗ chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm nghiệp, nên sự tăng trưởng của những mặt hàng khác cũng không bù lại được.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), trong tháng 7 giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30% khiến doanh thu của nhiều DN giảm khoảng 50%, thậm chí một vài DN bị gián đoạn sản xuất. Dự báo tình hình còn khó khăn hơn trong những tháng cuối năm.
Trước những khó khăn về tình hình xuất khẩu gỗ và lâm sản, đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT khuyến nghị các DN cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất để ứng phó kịp thời với biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện có 3,5 triệu ha rừng sản xuất là rừng trồng, đây là diện tích cung cấp chủ yếu nguyên liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, diện tích này mới chỉ khai thác số lượng rất ít so với tiềm năng.
Ước tính, mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 230.000 – 240.000 ha rừng sản xuất chỉ chiếm khoảng 10%, nếu quay vòng chu kỳ khai thác 10 năm thu hoạch 1 lần mới sử dụng hết được sản lượng nguyên liệu gỗ trong nước.
“"Ngành gỗ cần tiếp tục ổn định nguyên liệu trong nước, giảm lượng gỗ nhập khẩu thực hiện những cam kết về gỗ hợp pháp, đồng thời giảm chi phí và giá thành qua đó chủ động nguồn nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh của các DN ngành gỗ. Các DN cần duy trì được những thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Mỹ. Về lâu dài mở rộng thêm các thị trường mới như Trung Đông, Canada, Australia bởi đây là những thị trường rất có tiềm năng về sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ", ông Trần Quang Bảo nói./.