6 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid 19 nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp vẫn tăng trưởng 2%; với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định những tháng cuối năm dịch bệnh Covid-19 cũng như xung đột chính trị giữa Nga – Ukraine tiếp tục gây trở ngại thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu, các đại biểu cho rằng, cần tập trung các giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có.

Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp cho biết, dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng 90 nghìn hecta rừng được cấp mới chứng chỉ rừng bền vững. Chi phí logistics và giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp biến động mạnh đang làm yếu đi lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, nhất là trong những tháng “nước rút” từ nay đến cuối năm.

“Nhìn chung 6 tháng vẫn tăng 2%, các thị trường như: Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10% nhưng thị trường Mỹ lại giảm tăng trưởng. Qua 6 tháng ước đạt 9 tỷ USD nếu nhìn 2 nên chúng ta vẫn đạt được chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, các đơn hàng hiện nay đang giảm, một số doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất”

Theo dự báo, nửa cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu sẽ tăng mạnh trở lại, khi các thị trường dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Việc kinh tế thế giới khởi sắc sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu lâm sản của Việt Nam, tuy nhiên một trong những việc mà các doanh nghiệp cần phải làm lúc này là kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu lâm sản nhập khẩu.

Về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục sẽ họp với các Hiệp hội và các doanh nghiệp để một mặt chủ động thực hiện các hợp đồng đã ký. Tiếp tục mở rộng ra các thị trường. Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu sẽ tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng.

“Trồng rừng ở trong nước sẽ ưu tiên trồng những cây giống bằng sản xuất công nghệ cao như nuôi cấy mô, trồng trên những diện tích rừng có chứng chỉ. Nếu rừng có chứng chỉ thì giá thành của sản phẩm khi xuất khẩu giá bán bên ngoài có thể tăng 15%. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương trong vùng để tạo điều kiện thuận lợi xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản chỉ có như vậy người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gắn kết được với nhau, tạo ra những sản phẩm chất lượng có giá trị cao cải thiện đời sống những người làm nghề rừng”, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết./.