Khoảng 1, 2 tuần gần đây, giá heo hơi ở nhiều tỉnh miền Bắc dao động quanh mức 53.000 - 58.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg kể từ cuối năm ngoái. Với người chăn nuôi, mức giá này được cho là hòa vốn, nếu đàn heo không bị dịch bệnh hay chết đột ngột. Nhiều tiểu thương cho biết, trước khi giá heo hơi tăng trở lại thì mức giá giao dịch chỉ khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được coi là thủ phủ nuôi heo lớn nhất miền Bắc với hơn 80% gia đình đầu tư chăn nuôi, có thời điểm tổng đàn lên đến hàng trăm nghìn con. Tuy nhiên, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cả xã có hơn 300 hộ phá bỏ chuồng trại, dừng việc chăn nuôi. Một trong những nguyên nhân chính là do giá heo hơi rớt mạnh khiến nuôi không đủ lãi.
Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ và cũng là chủ trang trại nuôi hàng trăm con heo cho biết, từ sau Tết đến nay, giá heo hơi bán tại chuồng của các hộ chăn nuôi ở địa phương đạt trung bình 50.000 - 51.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với Tết nguyên đán. Đây là giá quá thấp và người chăn nuôi bị thua lỗ khi mà giá thức ăn gia súc đang cao.
Theo ông Chung, mỗi con heo giống có giá khoảng 4,8 triệu, nuôi đạt 140 kg hết 5 bao cám 25kg giá khoảng 2 triệu. Tổng cộng chi phí là 6,8 triệu. Nếu giá bán heo hơi là 50.000 đồng/kg, người nuôi thu về 7 triệu. Đó là chưa tính công chăn nuôi và đầu tư chuồng trại trong thời gian nuôi gần 2 tháng. “Với giá bán 50.000 - 51.000 đồng/kg, người nuôi không có lãi nên họ không mặn mà tái đàn. Toàn xã hiện chỉ còn gần 100 hộ với khoảng 15.000 con heo, giảm 80% so với trước Tết”, ông Chung nói.
Tại chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam, giá heo hơi được các thương lái vận chuyển đến giao dịch loại ngon, đẹp là 55.000 đồng/kg, loại trung bình 52.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối năm 2021.
Anh Nguyễn Văn Cao, thương lái ở thôn 3, xã Bối Cầu, cho biết, hơn 1 tháng nay, việc mua bán, vận chuyển heo rất thưa vắng. "Hiện ít thương lái đến thu mua nên mỗi ngày tôi chỉ bán được 20 tấn, giảm khoảng 30 tấn so với hơn 3 tháng trước”, anh Cao nói.
Còn ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm tỉnh Hà Nam cho biết, vì ế ấm và giá bán tại chợ thấp hơn một số địa phương khác nên hơn 3 tháng nay, heo hơi từ các tỉnh phía Nam, miền Trung và các địa phương lân cận đổ về chợ đầu mối giảm hơn 80%. “Trước Tết, mỗi ngày chợ đầu mối tiếp nhận khoảng 1.000 tấn, nhưng từ sau Tết đến nay, mỗi ngày các thương lái chỉ vận chuyển từ 60 đến 100 tấn”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, dù giá heo hơi rẻ, nhưng nghịch lý đang diễn ra đó là giá thịt thành phẩm trên thị trường vẫn đắt, có nơi giá thịt 3 chỉ lên đến 150.000 đồng/kg, thịt mông, vai gần 140.000 đồng/kg. Theo ông Chinh, với mức giá 50.000 - 55.000 đồng/kg heo hơi thì giá thịt heo móc hàm ở mức 71.000 - 72.000 đồng/kg là phù hợp. Còn khi chia lẻ và phân loại ra thành phẩm để bán thì thịt mông, vai giá khoảng 80.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 95.000 đồng/kg, sườn 80.000 đồng/kg là tương xứng.
Ông Trần Văn Chung cũng nêu ví dụ, 1 con heo 100kg thương lái thu mua tại chuồng có giá 5,1 triệu đồng, sau khi thịt, cân móc hàm đạt được từ 78-80kg. Qua các khâu trung gian như thương lái đến thu mua và bán lại tăng lên từ 2-3 giá (tương đương 200.000 - 300/000 đồng/con); công giết mổ 500.000 - 700.000 đồng/con, các tiểu thương bán tại chợ lãi mỗi con khoảng 800.000. Như vậy, cộng tất cả các chi phí thì 6,9 - 7,1 triệu đồng là đã đem lại lợi nhuận cho người nuôi cũng như tiểu thương.
“Với giá bán từ 90.000 - 130.000 đồng/kg thịt thành phẩm các loại là tiểu thương đã lãi quá nhiều, trong khi người chăn nuôi phải chịu thiệt đơn, thiệt kép vì giá thức ăn chăn nuôi, công sức, đầu tư chuồng trại mà giá lợn hơi lại quá thấp, còn người tiêu dùng lại phải mua với giá quá chát. Thực tế, với giá heo hơi như hiện tại thì thịt ba chỉ ở mức giá 95.000 đồng/kg, mông, vai 90.000 đồng/kg, sườn 70.000 đồng/kg là hợp lý”, ông Chung nói.
Ông Chung cho rằng, giá heo hơi càng thấp thì thương lái và các tiểu thương bán lẻ tại các chợ đầu mối càng thu lợi nhuận lớn, còn người tiêu dùng và người chăn nuôi phải chịu thiệt.
“Thực tế, dù giá heo hơi có xuống thấp nhưng các lò mổ không bao giờ giảm giá, tiểu thương bán lẻ ngoài chợ cũng lấy cớ đó không hạ giá bán lẻ, hoặc có giảm cũng chỉ nhỏ giọt. Trừ khi giá heo thịt xuống quá thấp, 17.000 - 18.000 đồng/kg như năm 2017 - 2018 và không có người mua thì họ mới chịu giảm”, ông Chung nói.
Ngày 21/4, tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì), chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa)... giá thịt lợn các loại đang ở mức cao, có dấu hiệu tăng nhanh rõ rệt: Thịt ba chỉ dao động từ 135.000 - 150.000 đồng/kg; thịt mông, vai giá 120.000 - 135.000 đồng/kg; thịt đùi dao động 130.000 - 140.000 đồng/kg.
Khi được hỏi, không ít tiểu thương khẳng định, giá lợn hơi tăng khiến hàng họ nhập về từ các lò mổ cũng tăng lên, do đó họ buộc phải nâng giá bán lẻ. Tuy nhiên, thắc mắc về việc khi giá heo hơi giảm thì giá thịt vẫn ở mức cao, người bán lại đổ cho các khâu trung gian "ngốn" nhiều chi phí hoặc do giá xăng dầu tăng. Với nhiều lý do như trên, người tiêu dùng luôn phải mua thịt heo giá đắt là điều dễ hiểu./.