Người nuôi lợn ở Đắk Lắk vừa chật vật vượt qua khó khăn do dịch tả lợn châu Phi thì nay đối mặt với việc giá thịt lợn hơi xuất chuồng hạ thấp, thậm chí không tiêu thụ được. Vừa phục hồi laị đàn lợn, chưa kịp xuất chuồng thì đã nắm chắc thua lỗ.
Giá lợn hơi giảm mạnh khiến nhiều người chăn nuôi ở Đắk Lắk đang lâm vào cảnh càng nuôi càng lỗ. Bà Thân Thiều Lệ Quyên ở thôn 5, xã Hoà Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có trang trại nuôi hơn 1.000 con lợn cho biết, nếu xuất bán với giá hiện nay chỉ đủ tiền thuê nhân công và trả tiền điện. Còn nếu kéo dài không bán, mỗi ngày có thể lỗ hàng chục triệu đồng.
“Đợt vừa rồi dịch Covid-19 kéo dài nên gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi. Do không có xe vận chuyển vì dịch, đàn lợn vừa rồi phải gần 7 tháng rồi mới xuất, thay vì khoảng 5 tháng như bình thường. Trong 3 tháng đó, chúng tôi phải trả tiền công, tiền điện nên lợi nhuận không còn bao nhiêu hết. Mà giá heo hơi thì hạ, so với heo hơi và cám người chăn nuôi lỗ rất là nhiều”, bà Quyên chia sẻ.
So với những năm trước, người chăn nuôi thường chọn tái đàn vào giai đoạn này để xuất chuồng đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay nhiều hộ chăn nuôi rất thận trọng khi tái đàn. Ông Lê Văn Hoàn ở buôn Đắk Tro, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau khi đàn lợn nái 34 con bị tiêu huỷ bởi bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, ông đã khử trùng chuồng nuôi để tái đàn gỡ gạc thiệt hại. Tuy nhiên, thời điểm này giá lợn hơi đang xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên phải tạm ngưng vì nuôi tiếp sẽ lỗ.
“Giờ một bao cám lên thêm 70.000 đến 100.000 đồng. Trước con lợn chỉ ăn khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng tiền cám thì xuất được, còn bây giờ ăn đến 3,7 triệu đến 3,8 triệu thậm chí lợn tồn đọng phải ăn đến 4 triệu đồng. Một con lợn như nhà tôi không phải giống mua lỗ từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Tái đàn trong thời điểm này rất là khó khăn và kiệt quệ, giá thị trường thì quá rẻ không nhìn thấy triển vọng” - Ông Lê Văn Hoàn cho biết.
Tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 9 xã, thị trấn khiến 452 con lợn bị nhiệm bệnh phải tiêu huỷ. Ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Cư M’gar cho rằng, nguyên nhân khiến việc phục hồi đàn lợn chậm là do nguồn giống khó khăn, thiếu vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi và quan trọng hơn là giá thịt lợn đang xuống quá thấp.
“Để tái đàn thì các chuồng trại phải đủ điều kiện. Khi mua con giống về nuôi phải mua ở vùng an toàn dịch, và có nguồn gốc cụ thể rõ ràng. Trước khi nhập tái đàn thì phải nuôi cách ly theo dõi, không nên mua con giống trôi nổi. Nếu trường hợp lợn có biểu hiện gì thì phải báo ngay với cán bộ thú y, cấp xã, thôn, buôn hoặc trực tiếp cho Trạm Thú y. Khi mua, xuất bán thì phải thực hiện việc tiêu độc, sát trùng, đặc biệt thương lái vận chuyển động vật” - Trạm trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Cư M’gar nhấn mạnh.
Vừa vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, nay người chăn nuôi ở Đắk Lắk lại đối diện với việc giá lợn xuống thấp, khiến nhiều hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn./.