Anh Trần Nhất Nam ở Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, trong một chuyến đi công tác lên Na Hang (Tuyên Quang) hồi giữa năm 2015, anh không thể quên được hương vị món thịt gà luộc chấm muối dổi. Chủ quán cho biết, thịt gà chỉ là loại gà ri bình thường dân bản nuôi, còn vị ngon chính là ở đĩa muối dổi dùng để chấm.

Sau chuyến công tác đó, khi về Hà Nội, anh có tìm mối đặt mua một ký hạt dổi về vừa để ăn, vừa đem biếu Tết nhưng rất khó.

Mãi vừa rồi, một cậu bạn trên Tuyên Quang mới nhận tìm mua giúp, song giá đến 4 triệu đồng/kg. Anh vẫn vui vẻ trả tiền, bởi dân bản hay vào rừng kiếm hạt dổi còn gọi đây là thứ “vàng đen” nên không dễ kiếm, anh Nam chia sẻ.

doi_2_gwtf.jpg
Hạt dổi rừng còn gọi là "vàng đen” nên không dễ kiếm.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nga cho hay, chị biết đến hạt dổi rừng bởi cách đây hơn nửa năm,chị được một người bạn chia cho khoảng 20 hạt về ăn thử. Cậu bạn chị tình cờ mua được mấy lạng trong chuyến công tác tại Tây Bắc.

“Tôi đem hạt dổi đi nước chín theo đúng cách cậu ấy hướng dẫn thì thấy mùi thơm cực kỳ hấp dẫn, sau đó giã nát bỏ vào nước chấm hay ướp mấy món thịt bò để làm món bò khô thì đố thấy loại gia vị nào sánh bằng”, chị Nga nói.

Tuy nhiên, chị Nga cũng phải thừa nhận, để mua được hạt dổi rừng xịn cực kỳ khó, nhiều khi có tiền cũng... bó tay nếu không có mối.

“Mất cả hai tháng trời sau khi nhờ cậy hết bạn bè, người quen ở cơ quan tôi mới mua được 5 lạng hạt dổi giá 2 triệu đồng/kg để làm gia vị chấm và tẩm ướp các món nướng trong mấy ngày Tết”, chị khoe.

Cẩn thận không mua phải hàng nhái

Anh Nguyễn Anh Tuấn ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) chuyện buôn bán các loại đặc sản Tây Bắc cho biết, dổi rừng và mắc khén là hai loại hạt đặc trưng để làm gia vị ẩm thực. Song, hạt dổi rừng thơm và ngon hơn hạt mắc khén, đồng thời, giá bán cũng cao hơn hạt mắc khén gấp cả 7-8 lần vì độ ngon và hiếm của nó.

Theo anh Tuấn, bà con Tây Bắc thường dùng hạt dổi làm gia vị chấm, gia vị ướp các món ăn đặc sản như thịt bò khô, lợn khô, trâu gác bếp, các món nướng,...

“Hạt dổi được bà con nướng trên than, khi chín hạt sẽ nở căng ra, mùi thơm bốc lên ngào ngạt thì đem giã nát để nêm nếm các món ăn”, anh Tuấn nói.

Song, anh Tuấn cũng tiết lộ, dổi rừng có hai loại, trong đó, một loại cho hạt cứng và mùi hắc (gọi là dổi tẻ), loại này thường không ăn được; loại thứ hai là dổi nếp, hạt có mùi thơm hay được bà con vùng dân tộc dùng làm gia vị thay thế cho hạt tiêu và ớt.

Ngay cả hạt dổi rừng nếp cũng được chia ra làm nhiều loại, như dổi rừng cổ được thu hoạch từ những cây dổi trên 30 năm, có hạt màu đỏ, khi chín rụng xuống đất và được người dân thu nhặt về phơi khô. Loại này được gọi là hàng loại 1 vì cực kỳ hiếm, giá bán ngoài thị trường thường ở mức trên dưới 4 triệu đồng/kg.

Hạt dổi rừng "nhái" to, đen bóng nướng lên không nở, mùi rất khó chịu.
Loại hai kém hơn chút bởi loại này được thu hoạch từ những cây có tuổi đời ít hơn. Còn loại thứ ba là dổi do dân trồng, hạt thường có mùi hắc, nướng lên không nở căng như dổi rừng. Riêng với loại thứ 4 là nhái dổi rừng, hạt to, bóng, đen, nướng lên không nở, mùi rất khó chịu. Do đó, nếu mua ăn thì chỉ nên mua loại 1 và loại 2, anh Tuấn cho hay.

Cũng theo anh Tuấn, nhu cầu mua hạt dổi rừng vào thời điểm cận Tết tăng cao, đặc biệt là loại dổi rừng cổ. “Tôi đã đi một số chợ ở Tây Bắc, hạt dổi rừng bày bán rất nhiều nhưng đa phần đều là hàng nhái. Hàng thật đã được các nhà hàng, quán ăn, đầu mối thu gom hết rồi”./.