Tại thị trường Hà Nội, theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ có mức tăng trung bình 10% so với trước.
Đối với nhóm hàng lương thực, nhu cầu sử dụng các loại gạo thường tăng dịp Tết, trong khi sản lượng vụ mùa vừa thu hoạch giảm 10-20% so với dự kiến. Do đó, dự báo trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá gạo tăng khoảng 5%; cùng với đó nhu cầu tăng cao nên thịt lợn, thịt bò, thịt gà ta cũng tăng giá khoảng 10-15%.
Nhiều siêu thị đã sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán (Ảnh: NĐT) |
Tại các tỉnh thành phía Nam, giá lợn hơi hiện đã tăng khoảng 20% so với hồi đầu năm. Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như gà ta, gà công nghiệp…. cũng tăng 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá các loại thủy hải sản tăng rất mạnh với lý do gần Tết,ngư dân ít đi biển nên khan hiếm hàng.
Giá thực phẩm khô như tôm khô, hạt dẻ, hạt dưa, nấm, dầu ăn… hiện cũng đã tăng hơn 34%. Trong đó, nấm đông cô tăng hơn 20.000 đồng/kg; nấm hương có chỗ giá lên đến 340.000-360.000 đồng/kg; tôm khô cũng tăng lên mức giá từ 550.000 đến gần 1 triệu đồng/kg tùy loại.
Tuy nhiên, theo Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm và tin tưởng rằng giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết Nguyên đán sẽ vẫn khá bình ổn và không có nhiều đột biến, do các tỉnh thành đã chuẩn bị kỹ lưỡng hàng bình ổn, cũng như có rất nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình hàng bình ổn.
Theo Bộ Công Thương, đến nay có hơn 50 địa phương báo cáo có chương trình bình ổn hàng hóa thị trường Tết, được tổ chức tại hơn 8.000 điểm bán hàng. Những doanh nghiệp tham gia chương trình hàng bình ổn, dù được nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn hay ngân hàng và doanh nghiệp liên kết với nhau tham gia chương trình bình ổn, cũng bán hàng giá thấp hơn thị trường 5-10%.
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 7.500 tỷ đồng; các điểm bán hàng bình ổn giá đã vươn tới các huyện vùng sâu, vùng xa. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương... cũng có hàng chục doanh nghiệp tham gia trữ hàng bình ổn giá dịp Tết.
Bộ Công Thương còn cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, để có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu./.