Dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để có thể kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch ngày càng siết chặt, tiểu thương nhiều chợ truyền thống tại đây đã đẩy mạnh bán hàng online và chấp nhận thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử. Việc làm này đang giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, tìm kiếm thêm khách hàng, duy trì kinh doanh.
Trước đây, nhiều chủ sạp hàng lâu năm vốn quen hình thức “tiền trao cháo múc” nên khá e dè khi giao hàng và nhận tiền vào tài khoản ngân hàng hay qua ví điện tử. Nhiều tiểu thương lớn tuổi ngại dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh hay mạng xã hội để bán hàng. Nhưng trước thực tế lượng khách đến chợ truyền thống đang giảm đi từng ngày, dịch bệnh khiến chợ truyền thống vắng khách, nhiều chủ sạp hàng dần thay đổi suy nghĩ, tiếp cận cách bán hàng hiện đại.
Bà Ứng Thị Liên, 68 tuổi, chủ một sạp bán nguyên liệu pha chế và bánh kẹo tại chợ Bình Tây, Quận 6 cũng vậy. Vài tháng nay, bà Liên được con trai mình hướng dẫn dùng mạng xã hội để kết nối với bạn hàng và nhận thanh toán qua chuyển khoản. Khi dịch bùng phát, nhiều khách hàng ngại di chuyển và hạn chế đến nơi đông người nên bà Liên gần như chuyển hẳn qua bán hàng và thanh toán trực tuyến.
“Từ khi có điện thoại thông minh, các con của tôi cũng chỉ cho tôi vào Zalo kết nối với các bạn hàng ở xa hoặc ở tỉnh. Mua bán giao dịch xong khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho mình”, bà Liên chia sẻ.
Bà Mai Thị Thanh Thủy - chủ một sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây cũng bối rối ở những lần đầu bán hàng qua mạng xã hội, nhưng càng làm càng quen và thấy thuận lợi. Giờ bà Thanh Thuỷ thành thạo với việc quay video, chụp hình mẫu sản phẩm mới rồi gửi lên mạng xã hội cho khách hàng lựa chọn, tạo đơn hàng để giao hàng qua các app và nhận tiền bằng chuyển khoản. Nhờ đó, dù lượng khách đi chợ giảm, bà Thuỷ vẫn giữ được doanh thu gần như khi chưa có dịch.
“Tôi quay hình ảnh các mặt hàng rồi chia sẻ lên mạng xã hội, khách vào xem sau đó đặt hàng. Từ khi dịch Covid-19 doanh thu đã giảm đối với các khách lẻ, còn khách hàng qua mạng xã hội vẫn còn hoặc khách các tỉnh khác liên hệ qua điện thoại vẫn được giao hàng tận nơi”, bà Thủy cho biết.
Chị Lê Thị Ngọc Hoa, một chủ sạp giò chả và đồ khô tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cũng chủ động gợi ý khách hàng thanh toán qua ngân hàng và ví điện tử, nhận hàng tại nhà trong thời gian thành phố phòng dịch Covid-19. Nhiều tiểu thương tại chợ này cũng bắt đầu bán hàng online như chị và họ hiểu rằng, muốn phát triển bán hàng online thì phải đảm bảo chất lượng hàng hoá, nhất là hàng thực phẩm.
“Nói chung trong lúc các bạn hàng khác bán được ít mà nhờ online mình bán được như vậy là khá rồi. Mình mua bán uy tín, bán hàng có nguồn gốc xuất xứ nên tạo được niềm tin cho khách hàng. Khách hàng tin tưởng sẽ liên lạc qua điện thoại đặt hàng nhiều hơn”, chị Hoa cho hay.
Tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, vai trò của các Ban Quản lý chợ hiện nay không dừng ở giám sát và đảm bảo chợ vận hành và an ninh trật tự. Trong xu thế mua bán hàng online, nhiều Ban Quản lý chợ đã chủ động hướng dẫn tiểu thương tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến.
Bà Lê Thị Thuỷ, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây, Quận 6 cho biết, ngày càng nhiều tiểu thương đã chuyển từ thụ động chờ khách hỏi mua, sang chủ động online tìm kiếm khách hàng và bán được hàng, vượt khó trong tình hình dịch bệnh.
“Các mặt hàng bánh kẹo, mứt, gia vị đều được các tiểu thương bán qua Zalo hoặc mạng xã hội tạo thêm thu nhập. Đây cũng là hình thức mới đối với tiểu thương nhưng góp phần tiết kiệm cho họ rất nhiều chi phí, cũng như đáp ứng được tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay”, bà Thủy cho biết.
Trước đây, chợ truyền thống đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, bách hoá hiện đại. Hiện nay, chính dịch Covid-19 đã khiến tiểu thương chợ truyền thống đang nhanh chóng thích nghi và tận dụng mọi hình thức bán hàng để tồn tại./.