Trong những ngày qua, cả nước đang thực hiện cao điểm công tác phòng, chống dịch Covid-19, chung tay chia sẻ với 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội bằng những hành động thiết thực, ủng hộ hàng hóa nhu yếu phẩm, hỗ trợ tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa đảm bảo đời sống của người dân trong thời gian phòng, chống dịch.
Thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống phải tạm ngừng hoạt động khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Giá cả các mặt hàng vì thế tăng theo, có mặt hàng tăng giá gấp 3 đến 4 lần. Đáng tiếc là trong thời điểm này, vẫn có một số hệ thống siêu thị, cửa hàng vẫn cố tình tăng giá bán hàng hóa, gây khó khăn cho người tiêu dùng khiến dư luận hết sức bất bình và phẫn nộ. Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá, thu lợi bất chính là rất đáng bị lên án và truy xét.
Sự việc nổi cộm có thể thấy trong quá trình kiểm tra hệ thống cửa hàng của Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.
Cụ thể, sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Đại diện Bách Hóa Xanh cũng xác nhận có sai sót không thay giá tại cửa hàng, không phải do cửa hàng cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 18/7, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đăk Lăk khi hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) cũng phát hiện cửa hàng này bán hàng không niêm yết giá; một số chủng loại có giá bán cao hơn so với giá niêm yết. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính hai hành vi trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hùng Em cho biết, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT Sóc Trăng đã ra quân, phối hợp với lực lượng liên ngành xuống địa bàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở, vận động các cơ sở kinh doanh, các tiểu thương chấp hành quy định pháp luật, không đầu cơ găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
“Nhằm ngăn chặn, tiếp nhận phản ánh về hành vi gom hàng, nâng giá, trục lợi từ đại dịch Covid-19, Cục QLTT Sóc Trăng đã công bố số điện thoại của Cục trưởng QLTT và các Đội trưởng Đội QLTT để người dân kịp thời phản ánh tình trạng nâng giá, đội giá quá quy định, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ...”, ông Hùng Em khẳng định.
Nhìn nhận sự việc này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu phân tích theo báo cáo của Bách Hóa Xanh có thể thấy lượng hàng phục vụ bình thường là 1.000 tấn rau quả, thực phẩm và khi phục vụ cao điểm lên tới 2.500 – 3.000 tấn; chính vì vậy khả năng doanh số của đơn vị sẽ tăng trong những ngày vừa qua trong khi chi phí cố định, như nhân viên, điện, nước... không thay đổi nhiều.
Như vậy, chi phí cố định tăng không đáng kể nhưng doanh số tăng cao thì lãi gộp sẽ tăng lên. Nếu đúng là như vậy thì không phải Bách Hóa Xanh bị lỗ mà là ngược lại, bởi vì trong khi Bách Hóa Xanh tăng giá thì các đơn vị khác như Saigon Coop, Central Group,… cũng có những khó khăn tương tự nhưng vẫn giữ giá bán cho người tiêu dùng, mặc dù lợi nhuận có thể giảm sút.
“Trong khi cả nước, các ngành các cấp thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ đồng lòng chống dịch, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, không lợi dụng để đầu cơ tăng giá làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Rõ ràng Bách Hóa Xanh chưa thấm nhuần đầy đủ ý nghĩa của việc chia sẻ lợi ích giữa người bán hàng và người tiêu dùng”, ông Phú nhận xét.
Theo ông Phú, việc làm của Bách Hóa Xanh đang đi ngược với đạo lý của thời cuộc. 1 DN muốn giữ được uy tín lâu dài với người tiêu dùng thì phải xây dựng hình ảnh từ khi mới tham gia thị trường, đi cùng người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn nhất. Có như vậy người tiêu dùng mới thật sự cảm phục và có ấn tượng lâu bền với DN. Nếu chỉ vì những khó khăn nhất thời, những lý do chưa được thuyết phục mà tăng giá, chính đơn vị bán lẻ sẽ đã tự làm mất uy tín, thương hiệu của chính mình.
“Chúng ta đang xây dựng một xã hội cộng đồng mang tính chia sẻ ngày càng cao, kinh doanh không phải bằng bất cứ giá nào để thu lợi nhuận về mình. Hiện tượng Bách Hóa Xanh cũng là một bài học chung cho các DN khác, không nên vì lợi nhuận tối đa để làm mất đi thương hiệu uy tín của mình trên thương trường. Dư luận xã hội luôn biểu dương, ủng hộ sự phát triển kinh doanh của các DN làm ăn nghiêm túc, biết chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng xã hội, như vậy thương hiệu của họ chắc chắn ngày càng có uy tín, vững bền hơn trên thị trường”, ông Phú chỉ rõ./.