Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra như sau:

cangquynhon7_yxtd_fgkm.jpg
Cần cẩu tại cảng Quy Nhơn. Ảnh: Thanh Niên.

I. NỘI DUNG THANH TRA

Thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, bao gồm: chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; việc xác định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc thẩm định, phê duyệt giá cổ phần để thoái vốn nhà nước; việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước…; đánh giá tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

II. ƯU ĐIỂM, TỒN TẠI, KHUYẾT ĐIỂM, VI PHẠM PHÁT HIỆN QUA THANH TRA

- Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó Cảng Quy Nhơn là cảng đầu mối khu vực (loại I), cảng tổng hợp quốc gia, là cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam.

- Ngày 04/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015, theo đó giai đoạn 2012-2015 thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 75% vốn điều lệ tại 09 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

- Cảng Quy Nhơn do Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn quản lý có 03 cầu cảng với tổng chiều dài là 824m (Cầu 5.000 DWT được xây dựng trước năm 1975; Cầu 10.000 DWT là bến nhô, xây dựng năm 1995; Cầu 30.000 DWT xây dựng năm 2004). Khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ là 192,579 tỷ đồng do Vinalines sở hữu 100%.

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013 cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo phương thức Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ và Văn bản số 1652/TTg-ĐMDN ngày 08/9/2014 cho phép bán hết 49% vốn do Vinalines đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước; Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.

- Giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2013 để cổ phần hóa là 513,823 tỷ đồng; nợ phải trả là 109,723 tỷ đồng;giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán là 192,579 tỷ đồng, giá trị thực tế vốn nhà nước xác định lại là 404,099 tỷ đồng, tăng 211,52 tỷ đồng so với giá trị trên sổ sách kế toán.

- Tổng số cổ phần phát hành lần đầu là 40.409.950 cổ phần, trong đó: Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 30.307.462 cổ phần (75% vốn điều lệ), bán cho các nhà đầu tư 10.102.488 cổ phần (25% vốn điều lệ).

- Ngày 12/9/2013, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức bán đấu giá cổ phần Cảng Quy Nhơn, giá đấu thành công: cao nhất là 20.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 12.200 đồng/cổ phần, bình quân là 12.792 đồng/cổ phần.

- Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là 536,9 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy, trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông vận tải, Vinaline, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm sau đây:

1. Việc đề xuất, tham mưu, quyết định tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã có những khuyết điểm, vi phạm sau:

- Đối với UBND tỉnh Bình Định: Việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ (tại Văn bản số 1115/UBND-KTN ngày 04/4/2013), sau đó tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (tại Văn bản số 628/UBND-TH ngày 25/02/2014), và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có Văn bản số 1062-CV/TU ngày 13/7/2015 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ. Trách nhiệm thuộc về một số lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010 - 2015.

- Đối với Bộ Giao thông vận tải: Với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Vinalines nhưng chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, đã có những vi phạm sau:

+ Việc Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ (tại Văn bản số 2900/BGTVT-QLNN ngày 04/4/2013); sau đó, lại tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (tại Văn bản số 2342/BGTVT-QLDN ngày 07/3/2014, số 9210/BGTVT-QLDN ngày 05/9/2014) là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013, trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.

+ Khi đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, mặc dù Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2388/VPCP-ĐMDN ngày 22/4/2014 đề nghị Bộ GTVT bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra về kinh tế - an ninh - quốc phòng hiện tại và lâu dài cần phải được làm rõ khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước; mặc dù, Vinalines đã có Văn bản số 1874/HHVN-TC&QLVG ngày 02/6/2014 gửi Bộ GTVT báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của Cảng Quy Nhơn, lợi ích hiện tại và lâu dài của việc sở hữu 49% vốn so với việc bán hết và đề nghị được duy trì tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, nhưng Bộ GTVT đã không xem xét, đánh giá toàn diện những nội dung Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Vinalines đã nêu mà tiếp tục có Văn bản số 9210/BGTVT-QLDN ngày 05/9/2014 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là thiếu căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines.

+ Chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán, ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Đáng chú ý là việc Bộ GTVT đã ban hành 02 văn bản: Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm Điểm c Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; vi phạm Điểm a Khoản 2 Điều 11, Điểm b Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Vì vậy, 02 văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước. Trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ Giao thông vận tải.

- Đối với Văn phòng Chính phủ:

Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013 về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, trong đó tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ là 49% vốn điều lệ; tiếp đó, mặc dù đề nghị của Bộ GTVT về việc cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn trình Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1652/TTg-ĐMDN ngày 08/9/2014 cho bán hết 49% vốn nhà nước là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013 (Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn). Mặt khác, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu: sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, làm hạn chế việc cổ phiếu Cảng Quy Nhơn hướng tới giá thị trường, công khai, minh bạch; khó khăn, bất cập khi Nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư. Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các cá nhân có liên quan của Văn phòng Chính phủ.

2. Trong việc xác định GTDN để cổ phần hóa; việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn; việc phê duyệt GTDN, giá trị cổ phần đã có những khuyết điểm, vi phạm sau:

Việc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế ATC (ATC) xác định GTDN để cổ phần hóa, thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng 26,01% cổ phần; Công ty Hợp danh kiểm toán Việt Nam (CPA) thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng 49% cổ phần:

- Công ty ATC:

+ Áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm để xác định chất lượng còn lại của 03 Cầu cảng, không thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan để phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng kỹ thuật thực tế của Cầu cảng so với các cầu cảng đầu tư xây dựng mới trong thời gian thực hiện định giá là không thực hiện đúng quy định tại Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

+ Khi áp dụng Phương pháp phân tích kinh tế - kỹ thuật để xác định chất lượng còn lại của nhà cửa, vật kiến trúc, ATC đưa ra tỷ lệ chất lượng còn lại của kết cấu chính nhưng chưa vận dụng đầy đủ hướng dẫn tại Phụ lục số 01 Thông tư số 13/LB-TT ngày 18/4/1994 của Liên Bộ Xây dựng-Tài chính-Vật giá Chính phủ và Tiêu chuẩn xây dựng số 373:2006 “Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà” ban hành kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.

+ Xác định giá trị máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, xếp dỡ: ATC xác định lại nguyên giá thực tế của tài sản theo giá thị trường tại thời điểm 31/3/2013 theo giá trị trên sổ kế toán, không có tài liệu chứng minh tài sản đó không có trên thị trường hoặc không tìm thấy tài sản tương đương trên thị trường; mặt khác, khi xác định chất lượng còn lại theo Phương pháp thống kê - kinh nghiệm, ATC căn cứ vào thời gian sử dụng của tài sản mà không kết hợp với việc đánh giá thực trạng tài sản; khi xác định chất lượng còn lại của tài sản theo Phương pháp phân tích kinh tế - kỹ thuật, ATC không căn cứ hướng dẫn chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật là không tuân thủ đúng Điểm b Mục 1.2 Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- ATC thẩm định giá để chuyển nhượng 26,01% cổ phần, CPA thẩm định giá để chuyển nhượng 49% cổ phần: Đã vận dụng từ Phương pháp so sánh trong tiêu chuẩn thẩm định giá, đưa ra các công thức tính chưa được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn thẩm định giá; không thực hiện đầy đủ các nội dung khảo sát thực tế tại Cảng Quy Nhơn, không khảo sát hiện trạng tài sản, thu thập số liệu về thông số của tài sản định giá là không thực hiện đúng quy định tại Mục 4 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá số 05; vận dụng Phương pháp so sánh theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07 để thẩm định giá theo phương pháp so sánh chỉ số giá/ thu nhập (p/e) và chỉ số giá/ giá trị sổ sách (p/bv), nhưng không phân tích thông tin, so sánh về những điểm tương tự và khác biệt, lợi thế và bất lợi của tài sản thẩm định giá với từng tài sản so sánh để có sự điều chỉnh mức giá của tài sản thẩm định giá mà chỉ so sánh với chỉ số trung bình ngành là không thực hiện đúng quy định tại Mục 9, Mục 10 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07.

Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng cổ phần đã được HĐTV Vinalines phê duyệt.

Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các Công ty tư vấn (ATC, CPA) và các thẩm định viên; ngoài ra, còn có phần trách nhiệm của HĐTV Vinalines, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc trong việc thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, giá cổ phần.

3. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, đã có những khuyết điểm, vi phạm sau:

- Việc xây dựng, phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đã không cụ thể điều kiện, tính chất ngành nghề kinh doanh cảng biển, thực tế, Công ty Hợp Thành đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển. Mặt khác, cam kết của Công ty Hợp Thành chỉ nêu hỗ trợ công ty cổ phần trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không cụ thể nội dung hỗ trợ theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Trách nhiệm thuộc về Tổ giúp việc; Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và HĐTV Vinalines, trong đó trách nhiệm chính thuộc về: Tổ trưởng Tổ giúp việc; Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa và nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines.

- Việc mua bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa, Công ty Hợp Thành (Nhà đầu tư chiến lược) đã chậm thanh toán tiền mua cổ phần với số tiền 46.843,272 triệu đồng (thanh toán chậm 02 ngày với số tiền 18.900 triệu đồng, chậm 12 ngày với số tiền 27.943,272 triệu đồng), vi phạm thời hạn thanh toán tại Điểm 2.2 Mục 2 của Hợp đồng số 01/CĐCL/CQN-HT ngày 20/9/2013, nhưng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã không xem xét, xử lý theo Hợp đồng và quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trách nhiệm chính thuộc về Công ty Hợp Thành, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

4. Việc giao đất cho Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, việc đầu tư mở rộng Cảng đã có những khuyết điểm, vi phạm sau:

- UBND tỉnh Bình Định cho Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn quản lý, sử dụng 281.834,8 m2 đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, tuy đã quá thời hạn ổn định 05 năm tính từ thời điểm được Nhà nước quyết định cho thuê đất, nhưng Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Quy Nhơn chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất áp dụng cho thời gian tiếp theo là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Trách nhiệm chính thuộc về Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.

- UBND tỉnh Bình Định cho Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn quản lý, sử dụng 813,3 m2 đất Trạm cấp nước ngọt cho tàu biển theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất là không đúng đối tượng, không đúng mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 33 và Điểm e Khoản 1 Điều 35 Luật Đất đai năm 2003, dẫn đến Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn không phải nộp tiền thuê đất, làm thất thu NSNN. Trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Bình Định.

Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ vi phạm, cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục:

+ Ngày 21/11/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4365/QĐ-UBND chuyển hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất trả tiền hàng năm đối với 813,3 mđất Trạm cấp nước ngọt cho tàu biển kể từ thời điểm doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần; Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn đã ra Thông báo nộp tiền thuê đất từ tháng 11/2013 đến tháng 12/2017 với số tiền phải nộp là 107,1 triệu đồng; ngày 22/11/2017, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã nộp NSNN 107,1 triệu đồng.

+ Ngày 23/11/2017, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã điều chỉnh đơn giá thuê đất của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn áp dụng cho kỳ ổn định đơn giá thuê đất 05 năm tiếp theo 2017-2021 là 46.191 đồng/m2/năm; ngày 22/11/2017, Chi cục thuế thành phố Quy Nhơn ra Thông báo nộp tiền thuê đất năm 2017 theo đơn giá mới với tổng số tiền 13,027 tỷ đồng, số phải nộp bổ sung là 5,408 tỷ đồng; ngày 22/11/2017, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã nộp NSNN 5,408 tỷ đồng.

- Việc đầu tư mở rộng Cảng Quy Nhơn theo “Quy hoạch phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế khu vực và địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, trong đó có nguyên nhân do dự án chưa có quy hoạch 1/500 được phê duyệt, chưa giải phóng được mặt bằng, cần phải tập trung giải quyết. Trách nhiệm thuộc về Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, Nhà đầu tư chiến lược và UBND tỉnh Bình Định.

5. Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn trích khấu hao nhanh tài sản cố định không đúng quy định

Trong thời gian thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp từ 01/4/2013 đến 31/10/2013, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã thay đổi thời gian trích khấu hao, thực hiện trích khấu hao nhanh tài sản cố định nhưng không lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định trình cơ quan tài chính có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính. Việc trích khấu hao nhanh đối với một số TSCĐ đã làm tăng chi phí khấu hao, dẫn đến phản ánh giảm lợi nhuận thực tế trên Báo cáo tài chính trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa và để lại doanh nghiệp số tiền 5,236 tỷ đồng, phải xử lý thu hồi vào NSNN. Trách nhiệm thuộc về nguyên Tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

Tóm lại: Việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 (đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ trình, Bộ Chính trị đã thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013, trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ; việc Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm quy định của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, do đó 75,01% cổ phần mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước; các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

III. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

1. Về xử lý trách nhiệm

1.1. Đối với Bộ Giao thông vận tải:

- Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn nêu tại Kết luận thanh tra.

- Chỉ đạo Vinalines theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có:

+ Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ giúp việc, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Trưởng ban Chỉ đạo và Tổ trưởng Tổ giúp việc đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

+ Nguyên Tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đối với khuyết điểm, vi phạm trong việc trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định, dẫn đến giảm nguồn thu NSNN về thuế TNDN, giảm nguồn thu của Vinalines từ lợi nhuận trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa.

1.2.
 
Đối với Văn phòng Chính phủ: 
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

1.3.
Đối với UBND tỉnh Bình Định: Theo thẩm quyền, UBND tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

1.4. Thanh tra Chính phủ
 chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

1.5. Đối với các công ty tư vấn: 
Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn (ATC và CPA), các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc xác định GTDN để cổ phần hóa, việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nêu tại Kết luận thanh tra.

2. Xử lý về kinh tế

2.1. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

- Chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 02 văn bản, gồm: Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.

- Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật, đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo an ninh quốc phòng, lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư theo quy định pháp luật; chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% cổ phần khi cổ phần hóa cho Công ty Hợp Thành theo Điểm 2.2 Mục 2 Hợp đồng số 01/CĐCL/CQN-HT ngày 20/9/2013.

2.2.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu:

- UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, phục vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn, đảm bảo nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cảng Quy Nhơn.

- Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thực hiện: Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch và Phương án cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn đã được phê duyệt; hạch toán giảm chi phí khấu hao TSCĐ, tăng lợi nhuận và nộp NSNN số tiền 5,236 tỷ đồng; thực hiện việc niêm yết cổ phiếu Cảng Quy Nhơn trên sàn giao dịch chứng khoán theo đúng quy định của pháp luật.

3. Về cơ chế chính sách

- Giao Bộ Tài chính tổ chức thực hiện đánh giá toàn diện hoạt động thẩm định giá, hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.

- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, hoàn thiện quy định về các tiêu chí, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược (tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hoá) và cổ đông sáng lập, đảm bảo cụ thể, thống nhất, thuận lợi trong thực hiện và quản lý./.