TP HCM hiện có 20 hợp tác xã chợ được hình thành từ năm 2004 để quản lý 32 chợ loại 2, loại 3. Đây là mô hình xã hội hóa, góp phần nâng cao năng lực quản lý của hợp tác xã (HTX) đồng thời phát huy vai trò của các xã viên HTX. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM, mô hình này cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới đề từ đó nhân rộng ra các chợ truyền thống của thành phố.
Khi được hỏi về việc nếu được tham gia làm thành viên của HTX chợ, thay cho mô hình Ban Quản lý chợ hiện nay, ông Phạm Quốc Cường, chủ sạp quần áo ở chợ Quang Trung, Quận 12, TP HCM cho rằng, khi tiểu thương đã trở thành thành viên hợp tác xã chợ thì sẽ có nhiều lợi ích, nhất là khi tiểu thương là người làm chủ.
“Sẽ có rất nhiều lợi ích cho tiểu thương khi muốn đầu tư, sửa sang, nâng cấp gian hàng, chỉ cần lấy ý kiến của HTX mà không cần phải đợi, xin sự chỉ đạo của Ban Quản lý chợ như hiện nay. Nếu có HTX thì việc giải quyết sẽ nhanh hơn, chủ yếu là bà con tiểu thương tự giải quyết với nhau”, ông Cường cho biết.
Mô hình HTX chợ cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, có rất nhiều tiểu thương vẫn chưa hiểu mô hình HTX chợ, vì vậy, khi được hỏi về mô hình hình này đều không biết và chưa ý định tham gia. Đó cũng là điều dễ hiểu vì hiện nay tại TP HCM mô hình HTX chợ mới chỉ có 20 đơn vị. 20 HTX này quản lý 32 chợ trên địa bàn thành phố, trong khi thành phố hiện có tới 222 chợ truyền thống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, ngay khi TP HCM có chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý các chợ, các HTX quản lý chợ ra đời, tham gia đấu thầu, quản lý thay thế vai trò Ban Quản lý chợ.
Mô hình HTX quản lý chợ bước đầu phát huy tác dụng, thay mặt nhà nước quản lý hoạt động các chợ, nhà nước không phải duy trì và trả lương cho bộ máy Ban Quản lý chợ, đồng thời thu về khoản kinh phí khoán hàng năm từ HTX. HTX chợ hoạt động theo mô hình xã hội hóa, được phép thu các khoản phí và lệ phí chợ theo quy định của nhà nước.
Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, mô hình này vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện. Bởi hiện mới chỉ dừng lại ở mô hình HTX việc làm. Số người tham gia là những cán bộ, viên chức của ban quản lý trước đây, giờ trở thành nhân viên của HTX chợ, thực hiện nhiệm vụ quản lý chợ. Mỗi HTX này chỉ khoảng trên 10 người, kể cả bảo vệ…
Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, mô hình HTX chợ cần mở rộng ra và hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình này. Cần phải vận động và kết nạp tất cả bà con tiểu thương vào làm thành viên của HTX, xã hội hóa đã sâu rộng đến tận bà con tiểu thương là những chủ thể kinh doanh.
Như vậy, Nhà nước sẽ không tham gia nhiều vào hoạt động của chợ, không thu khoản kinh phí khoán hàng năm. Nhà nước cũng không đầu tư kinh phí sửa chữa chợ nữa mà HTX được thu và giữ lại kinh phí này và dùng kinh phí để sửa chữa lại chợ. Tất cả mọi hoạt động sẽ do Đại hội của thành viên HTX là các tiểu thương quyết định.
“Nếu chuyển sang mô hình HTX chợ lúc đó HTX và bà con tiểu thương là 1, bà con tiểu thương sẽ trở thành ông chủ, trở thành thành viên của HTX. Khi hai chủ thể là 1 sẽ giảm thiểu đi những tiềm ẩn về khả năng xung đột giữa hai chủ thể. Các khoản bà con tiểu thương phải nộp cho HTX trong tương lai với mô hình họ được làm chủ, làm thành viên nếu HTX có lợi nhuận, cuối năm tổ chức Đại hội sẽ quyết định chia lại cho bà con tiểu thương”, ông Hòa khẳng định.
Ông Hòa cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 31 chuyển đổi mô hình quản lý chợ thành hình thức công ty cổ phần. Đó cũng là một bước xã hội hóa hoạt động kinh doanh chợ.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, nếu đi theo mô hình HTX chợ sẽ xã hội hoá ngay đối tượng là tiểu thương. Hơn nữa, trong mô hình HTX không có tình trạng thu gom cổ phần, cổ phiếu, tích tụ vào nhóm người cổ đông chi phối như kiểu công ty cổ phần, vì những nhóm người đó không phải là bà con tiểu thương. Còn với mô hình HTX chợ, chỉ có tiểu thương thì mới đủ điều kiện gia nhập HTX sẽ hợp lý hơn.
Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Ngọc Hòa về việc cần triển khai phát triển mô hình HTX chợ, TS. Nguyễn Thị Trúc Phương, Giảng viên trường Đại học Công Nghiệp thực phẩm TP HCM cho rằng, khi các tiểu thương tham gia vào HTX chợ sẽ gắn bó luôn về quyền lợi và trách nhiệm, nên họ sẽ cảm thấy giống như là ngôi nhà chung của mình, hoàn toàn khác với việc họ chỉ phải đóng phí chợ như hiện nay.
TS. Nguyễn Thị Trúc Phương cũng đề nghị, để thu hút tiểu thương vào HTX chợ, cần phải đi đôi giữa giáo dục trí thức và giáo dục ý thức cũng như các ràng buộc về trách nhiệm pháp lý đối với họ.
Bởi nhận thức của các tiều thương hiện không đồng đều, từ tầm thấp đến tầm trung và cả tầm cao. Do đó việc giáo dục ý thức và cho tiểu thương hiểu rõ được tác động của môi trường HTX chợ như thế nào… cũng là vấn đề tương đối khó đối với các nhà quản lý và điều hành./.
Bất cập trong quản lý chợ nông thôn mới