Là nước được đánh giá có trình độ về thể chế và tiêu chuẩn hàng hóa thấp hơn so với các nước trong khối CPTPP, song thời gian qua, Việt Nam đã chủ động chuyển đổi, nỗ lực nâng cấp mình cả về chất lượng thể chế và chất lượng phẩm cấp hàng hóa để hòa hợp trong một sân chơi FTA “tiêu chuẩn cao”, khó khăn hơn nhưng nhiều tiềm năng.
Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25 % tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều nước thành viên trong khối CPTPP đang là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Australia và Mexico, trong đó, Nhật Bản luôn giữ vị trí “top 3” trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm nay.
Trên thực tế, từ năm 2008, Nhật Bản đã ký FTA với Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều. Nhưng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã có thêm động lực và lợi thế để gia tăng.
Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP), điểm rất đáng ghi nhận là xuất khẩu sang một số thị trường trong khối CPTPP đã có sự bứt phá rất mạnh mẽ trong 3 năm qua, có thể kể đến như Canada, Australia, Chile và Peru. Đây là những thị trường lần đầu tiên có tham gia FTA với Việt Nam là CPTPP.
Nếu như năm 2020, khi dịch Covid-19 khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang đa số các thị trường đều bị sụt giảm, nhất là những thị trường lớn thì xuất khẩu sang Canada, Chi lê, Peru, Australia đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong đó sang Australia tăng 9%, sang Canada tăng 14%, sang Chile tăng 14% và sang Peru tăng 8 %; Thì sang năm 2021 xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng 17 %, sang Canada tăng 15 %, và sang Mehico tăng tới 54 %... Về mặt hàng cụ thể, có thể kể đến CPTPP hiện là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam… Những kết quả này cho thấy rõ tác động tích cực của Hiệp định CPTPP đối với xuất khẩu thủy sản sang các nước mà lần đầu tiên đã tham gia FTA với Việt Nam.
Và thực tế ở chiều nhập khẩu của ngành thủy sản, bà Lê Hằng cho biết: “Chỉ trong 5 năm gần đây thủy sản xuất khẩu chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 24- 30% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, qua đó góp phần không nhỏ đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trong số các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.
Có thể thấy rõ nhất là xu hướng nhập khẩu nguyên liệu để gia công cho các thị trường Nhật Bản, EU rất rõ rệt khi mà trong danh mục hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 2 năm gần đây, các mặt hàng từ các nước có các nguồn cung các loại thủy sản nước lạnh như cá tuyết, cá hồi, cá tra, basa,… chiếm tỷ trọng ngày càng gia tăng trong danh mục xuất khẩu thủy sản”.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã biết tận dụng các thuế quan nhập khẩu để tạo ra được việc làm và thu nhập cho người lao động, và tận dụng được công suất cho các nhà máy chế biến… chúng tôi dự đoán là nhập khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới vì ngành công nghiệp chế biến thủy sản trong nước ngày càng phát triển với công nghệ chế biến sâu hiện đại, đội ngũ lao động tay nghề cao và với lợi thế về thuế quan nhập khẩu sau khi có các hiệp định EVFTA, CPTPP… và các hiệp định khác…
Đó chỉ là một ví dụ thực tế về những thay đổi trong gia tăng thương mại quốc tế ở cả 2 chiều xuất - nhập khẩu của ngành công nghiếp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhờ tận dụng tốt các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong CPTPP.
Báo cáo của ngành Công Thương cho thấy, để có được giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2021 đạt gần 670 tỷ USD có đóng góp quan trọng của việc phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng hết sức ấn tượng.
“Đối với khu vực của CPTPP thì chúng ta thấy con số tăng trưởng trong thời gian vừa qua hết sức ấn tượng. Khác với khu vực EU - là thị trường đã có xuất khẩu tương đối truyền thống thì khu vực CPTPP đặc biệt là những nước phía châu Mỹ như là thị trường Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới và xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn khiêm tốn, nhưng sau khi có Hiệp định CPTPP thì xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường này đã tăng đáng kể. Điều này phản ánh việc các doanh nghiệp của chúng ta cũng đã dần dần nắm bắt và có thể tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” - ông Trần Thanh Hải nói.
Theo nhận định của giới chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp - sau 3 năm CPTPP có hiệu lực - nhưng hiểu biết về hiệp định này vẫn còn rất khiêm tốn.
“Tôi nhìn thấy rất nhiều thách thức, không phủ nhận Bộ Công Thương và các hiệp hội tuyên truyền rất nhiều nhưng đây là một thực tế - một cuộc điều tra vừa công bố năm 2021 về CPTPP: 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ - có nghĩa là không có thông tin gì, 25% được đánh giá cao hơn các FTA khác - thì 25 % doanh nghiệp mới gọi là có hiểu biết nhất định. Từ cơ hội đến thực tiễn còn một quãng rất xa. Nhận thức như vậy đến hành động là thách thức” - ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến
Với CPTPP, không chỉ khai thác lợi thế thị trường xuất - nhập khẩu, tham gia CPTPP là tham gia vào một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, với các cam kết có tầm mức cao hơn và sâu hơn so với những hiệp định truyền thống chúng ta đã có, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế mà CPTPP đặt ra theo lộ trình.
Đồng thời, để trụ được trên chính sân nhà, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp… Đây cũng vừa là thách thức, vừa là đòi hỏi, nhu cầu tự thân của thị trường và người tiêu dùng Việt Nam trong việc tiếp cận, tiêu dùng sản phẩm có giá cạnh tranh, có chất lượng cao hơn mà CPTPP mang đến cho họ điều đó.
Ông Lê Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Thách thức ở đây - nhìn nhận vấn đề dài hạn, là làm thế nào để chuyển được những áp lực từ CPTPP thành quá trình cải cách về thể chế. Chúng ta biết CPTPP hơn hẳn các hiệp định những lĩnh vực cam kết rất mạnh cả về thương mại điện tử, cả về hải quan, các hàng rào kỹ thuật… và Việt Nam tham gia CPTPP theo sự đánh giá lợi ích nhiều nhất lại là những lợi ích về cải cách thể chế”.
Không phủ nhận một điểm rất đáng tiếc, đó là trong 3 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì 2/3 thời gian thế giới phải sống chung với đại dịch Covid-19. Tất cả các nền kinh tế thành viên trong khối CPTPP - đều phát triển chậm lại, và Việt Nam không phải ngoại lệ. Vì thế, những đánh giá tác động ở cả chiều tích cực cũng như hạn chế, thách thức về CPTPP cũng chưa thể toàn diện.
Bước vào năm 2022 - năm của "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” - Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết từ đầu năm để điều hành, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được giới chuyên gia đánh giá cao, nhất là với các nhóm giải pháp thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP./.