Sẽ tạo cú sốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố kế hoạch áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 60 tỷ USD và một số biện pháp hạn chế khác đối với Bắc Kinh. 

Động thái này nhằm thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trước tiên” (America first) của ông Trump. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới việc trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

trump_nhhn.jpg
Các cuộc chiến thương mại thường gây tổn thất không hề nhỏ đối với nền kinh tế thế giới. (Ảnh minh họa: KT)

Theo phân tích của Financial Times, vấn đề áp thuế nhập khẩu và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm 1 đến 3 điểm phần trăm trong vài năm tới.

Trong khi đó, theo nhận định của The Economist, từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không ngại phản ứng lại bằng cách tuyên bố sẽ đánh thêm thuế trị giá 3 tỷ USD vào hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Mỹ và Trung Quốc đang châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại. (Ảnh minh họa: KT)

Sự trả đũa tương tự như biện pháp bảo hộ của Mỹ có thể đẩy chi phí hàng hóa đi lên, song ít có khả năng khiến tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đáng kể. Tuy nhiên, việc áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ khó tránh khỏi làm lòng tin của giới doanh nghiệp giảm sút, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ ngoại giao và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Cuộc chiến không kẻ thắng

Trên tờ Straitstimes, nhận định về quyết định tăng thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định: "Không có nước nào chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại".

Bà Christine Lagarde

Bà Christine Lagarde cho rằng, mằc dù các nước nghèo và người nghèo tại các nước giàu đã được hưởng lợi từ sự phát triển của thương mại toàn cầu trong thập kỷ qua, nhưng rõ ràng một số khu vực và các ngành công nghiệp cũng phải chịu những tác động tiêu cực. Việc cắt giảm thương mại hay tăng cường các rào cản thương mại sẽ không mang lại chiến thắng cho bất kỳ quốc gia nào.

Chia sẻ trên CNN Money, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Williams của Capital Economics cảnh báo: Khó có thể lường hết được tác động của một cuộc chiến thương mại. Sự đáp trả từ nền kinh tế số 2 thế giới mới chỉ là một trong nhiều “trái đắng” mà Mỹ sẽ nhận được từ các nước bị áp thuế mới.

Tổng thống Donald Trump muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thêm 100 tỷ USD. Vì thế, ngoài thép và nhôm, chính quyền của ông Trump muốn nhắm tới cả máy giặt, tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc. 

Theo ước tính của Capital Economics, nếu Mỹ áp đặt chính sách thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì tăng trưởng GDP của nền kinh tế số 2 thế giới có thể bị giảm sút khoảng 0,1%.

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hệ thống luật pháp toàn cầu về thương mại. Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo đề nghị các quốc gia giải quyết các tranh chấp thương mại dựa trên các cơ chế của WTO, tránh căng thẳng leo thang, tránh đối đầu nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống thương mại toàn cầu.

Ông Roberto Azevedo
Chia sẻ với BBC, Tổng giám đốc WTO cũng bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới tăng trưởng kinh tế thế giới nếu nó nổ ra. Khi đó, kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng giảm sút.

Tuy nhiên, ông Roberto Azevedo cũng cho rằng, ở thời điểm hiện nay, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại vẫn chưa rõ ràng, mới chỉ có những dấu hiệu đầu tiên.

Mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế mới của Mỹ cũng là thước đo tác động của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế thế giới, Tổng giám đốc WTO nhận định.

Trên Xinhua, Bộ trưởng Tài chính Signapore Heng Swee Keat cũng nhấn mạnh: Một cuộc chiến tranh thương mại nếu xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đem lại lợi ích cho bất cứ ai, mà chỉ là cú đòn giáng xuống tất cả các nền kinh tế.

Phát biểu tại buổi họp báo chuẩn bị cho cuôc họp Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 4, dự kiến diễn ra từ 5 - 6/4 tới, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat một lần nữa khẳng định, sẽ không có ai được hưởng lợi nếu tranh chấp thương mại Trung - Mỹ leo thang thành một cuộc chiến thương mại./.