Ngày 14/8, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký biên bản ghi nhớ ủy quyền điều tra các hành động của Trung Quốc mà ông gọi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Giới quan sát và dư luận đã có các đồn đoán khác nhau, kể cả việc cảnh báo nguy cơ bùng nổ “cuộc chiến thương mại”. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó nổ ra trong bối cảnh hiện nay.

trumptap_hmjh.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm có chuyến thăm chính thức đến Mỹ chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống (Ảnh minh họa: news.sky.com)

Tổng thống D.Trump thực hiện lời hứa...

Ngay từ khi tranh cử, Trung Quốc là nước bị ông Trump chỉ trích mạnh mẽ nhất. Ông Trump đe dọa sẽ sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt Bắc Kinh để lấy lại lợi ích cho người Mỹ kể cả việc tăng 45% thuế đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc.

Ông Trump cho rằng, quan hệ thương mại hai nước là không công bằng. Sự khác biệt về giá nhập khẩu, đồng Nhân dân tệ định giá quá thấp… đã dẫn đến bất lợi cho Mỹ, rằng ông sẽ chặn đứng, không để mất thêm thị trường Mỹ vào tay đối tác thương mại Trung Quốc.

Giải thích về quyết định mới nhất của Tổng thống Trump, ông Jacob Parker, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho biết, thông báo của ông Trump mới chỉ là sự bắt đầu, sẽ có một năm hoặc nhanh nhất là 60 đến 90 ngày để xem xét liệu có nên mở cuộc điều tra chính thức về chính sách của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ hay không.

Theo ước tính của giới chức Nhà Trắng hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 600 tỷ USD/năm. Vì thế, Trung Quốc cần phải chấm dứt tình trạng cưỡng ép Mỹ chuyển giao công nghệ và chuyển sang tôn trọng, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của đối tác.

Mặt hàng đầu tiên có thể được xem xét đó là lõi nhôm mà Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Giới chức Mỹ khẳng định sẽ đánh thuế rất nặng vào mặt hàng này với lý do Bắc Kinh đã trợ giá quá mức. Theo đó, các sản phẩm này sẽ chịu “thuế chống trợ cấp” với mức từ 17% đến 81% giá xuất khẩu vào Mỹ.

Ông Bannon, cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump nhấn mạnh: “chiến tranh thương mại với Trung Quốc là về mọi thứ” và cho rằng Mỹ cần phải “dồn sức cho việc đó một cách hết sức”. Ông nói: “Nếu chúng ta thua, trong vòng 5 năm, nhiều nhất là 10 năm, chúng ta sẽ tiến tới điểm mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể hồi phục được”.

Ông Bannon nói, ông phải “chiến đấu” với các cố vấn khác của Nhà Trắng “mỗi ngày”, bởi những đối thủ của ông cả trong và ngoài Nhà Trắng đều thúc giục Tổng thống Trump sa thải ông. Tuy nhiên, gần đây ông Trump đã không công khai đưa ra lời đảm bảo cho số phận của chiến lược gia trưởng này.

Trung Quốc phản ứng quyết liệt…

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích nếu Mỹ làm tổn hại quan hệ thương mại hai nước. Bắc Kinh cho rằng, Mỹ nên tôn trọng các sự thật khách quan, hành động thận trọng, tuân thủ các cam kết với WTO và không hủy hoại các nguyên tắc đa phương.

Tờ China Daily cảnh báo, Tổng thống Trump “có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại” nếu ông xúc tiến kế hoạch. Giới chuyên gia thương mại quốc tế của Trung Quốc cũng cho rằng, quyết định của ông Trump có thể “phá hủy quan hệ Mỹ - Trung một cách toàn diện”.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo còn đề xuất Bắc Kinh nên kiện Washington về tội bảo hộ mậu dịch trong trường hợp ông Trump chính thức ra lệnh điều tra Trung Quốc về bản quyền trí tuệ.

Giới phân tích cho rằng, động thái của Tổng thống Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang theo đuổi một chính sách mới và điều đó khiến ông phải tái phân tích vấn đề thương mại nhằm đạt được các lợi ích cụ thể nào đó cho nền kinh tế Mỹ. 

Theo giới quan sát, cách tiếp cận chính sách kinh tế của Tổng thống Trump đã dần được thể hiện đối với Canada, Mexico, châu Âu, TPP và lần này là điều tra Trung Quốc, càng chứng minh rằng Mỹ đang theo đuổi chính sách “bảo hộ thương mại”. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đang phải đối mặt với một loạt vấn đề đối nội và đối ngoại phức tạp hiện nay, Tổng thống Trump còn tham vọng thông qua động thái cứng rắn trong chính sách đối ngoại kinh tế với Bắc Kinh, cũng đồng thời làm phân tán sự soi mói của các cử tri Mỹ đối với ông sau gần 7 tháng cầm quyền.

Và “cuộc chiến thương mại” khó nổ ra...

Theo giới quan sát, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nếu xảy ra “cuộc chiến thương mại” thì sẽ không bên nào được lợi. Theo báo giới Trung Quốc, Washington lần này khó có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Bằng chứng là những người tiền nhiệm của ông Trump cũng từng áp dụng Điều 301 của Luật Thương mại 1974, nhưng vẫn không ngăn chặn Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trước đó từng cảnh báo sẽ không có ai thắng trong cuộc “chiến tranh thương mại” với Mỹ. Mặc dù “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung chưa nổ ra, nhưng báo chí Trung Quốc đã sôi sục trước vấn đề này với các bình luận có thể “châm ngòi” cho “cuộc chiến thương mại” giữa hai nền kinh tế số một và hai thế giới.

Được biết, trong quá khứ Mỹ - Trung đã từng lao vào cuộc chiến thương mại, và Mỹ cũng không ít lần “thấm đòn đau” từ Trung Quốc. Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, doanh nghiệp Trung Quốc với ưu thế về nhân công giá rẻ đã buộc doanh nghiệp Mỹ phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn, giảm lương của công nhân hay cắt lãi để duy trì hoạt động nếu không muốn đóng cửa nhà máy.

Trong bối cảnh khác trước, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra thì kinh tế Mỹ vẫn sẽ bị tác động lớn và hệ lụy từ cuộc chiến sẽ không chỉ đến với nền kinh tế hai nước mà còn khiến thương mại thế giới “rung chuyển”.

Theo tính toán của nhà kinh tế học Ralph Ossa, một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu (với giả định là mọi quốc gia sẽ tăng thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu vào nước mình) sẽ khiến GDP bình quân thế giới giảm 3,5%. Trong đó, sự “đóng góp” của Mỹ và Trung Quốc có thể chiếm tới 75%.

Nếu Mỹ sẵn sàng tung các đòn kỹ thuật để ngăn cản các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ vì thế khó tránh khỏi nguy cơ bùng nổ. Tuy nhiên, nếu bùng nổ sẽ tác động toàn diện cả các lĩnh vực trực tiếp và gián tiếp; cả người sản xuất và người tiêu dùng; cả hai nước và các quốc gia trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Giới nghiên cứu cho rằng, với tư duy của giới lãnh đạo ở cả hai nước lớn Mỹ - Trung đều thấm đậm tính “thực dụng”, đều coi “lợi ích” kinh tế là trên hết. Vì thế, dự báo nhiều khả năng “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung khó bề nổ ra là có cơ sở./.