Chiều nay (23/10), sau khi nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Vẫn chưa tính đúng, tính đủ?

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Qua phân tích tình hình thực hiện thu NSNN năm 2013, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) nhận thấy nổi lên một số vấn đề.

Một là, về thu nội địa, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,4% nhưng Chính phủ báo cáo số liệu hụt thu nội địa khá lớn. Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu NSNN, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu NSNN tích cực hơn.

Hai là, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) ước đạt 84,6% so với dự toán. Tuy nhiên, số liệu này vẫn chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng (theo báo cáo của Chính phủ, ước tính số hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2013 là 90.000 tỷ đồng, dự kiến bố trí NSNN 75.200 tỷ đồng, số còn lại 14.800 tỷ đồng còn thiếu Quỹ hoàn thuế của năm 2013 sẽ phấn đấu tăng thu để bù đắp, chưa kể số nợ Quỹ hoàn thuế từ các năm trước).

"Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)phát sinh trong năm 2013 để phản ánh đúng tình hình thu NSNN; số nợ Quỹ hoàn thuế còn lại của 2 năm 2011, 2012 sẽ được xử lý dần vào các năm sau. Đồng thời, tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT, chống tình trạng gian lận trong tự in hóa đơn, lập hồ sơ xuất khẩu “khống” để chiếm đoạt tiền hoàn thuế đang diễn ra khá phức tạp” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Sau khi đưa ra một số nguyên nhân hụt thu NSNN năm 2013, Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ ước thu cân đối NSNN chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình, song vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới.

Vì sao chi đầu tư phát triển vẫn tăng?

Ủy ban TCNS đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán chi NSNN và cho rằng, trong bối cảnh thu NSNN giảm khá lớn nhưng chi NSNN về cơ bản vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị Chính phủ làm rõ việc trong khi thu NSNN giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định.

Qua giám sát thực tế, Ủy ban TCNS nhận thấy, một thực trạng là việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi NSNN, song chưa cân đối với nguồn lực NSNN; một số chế độ, chính sách chi an sinh xã hội triển khai chậm hoặc khi trình Quốc hội phê chuẩn dự toán chi NSNN nhưng chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng dẫn đến dư chi NSNN, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau. Một số chính sách, chế độ hỗ trợ cho các địa phương còn bất cập, cần được điều chỉnh hợp lý hơn.

Nâng bội chi là cần thiết

Trong bối cảnh hụt thu lớn, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với việc Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại Điều 49 của Luật NSNN. Theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3%GDP. 
Ủy ban này đề nghị thực hiện cơ chế thu vào NSNN 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; thu cổ tức của Nhà nước tại các DNNN chưa nộp tập trung vào Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); cho phép một số địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu được sử dụng không quá 70% Quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu như Chính phủ trình. 
Những mất cân đối như chưa bố trí đủ nguồn trả nợ đến hạn, bù lãi suất cho hai ngân hàng chính sách, nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, thu hồi đủ số vốn ứng trước, số nợ Quỹ hoàn thuế của các năm trước sẽ xử lý vào các năm sau để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. 
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng liên quan đến chính sách chi cho một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm xã hội) và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc bù hụt thu cho một số địa phương gặp nhiều khó khăn./.