Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 9/2013, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 505.000 tỷ đồng, đạt 62% dự toán năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Ba tháng còn lại của năm nay, sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu thu ngân sách. Trong đó, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, dự kiến hụt thu mạnh do nhiều nguyên nhân.

Hàng loạt các cuộc họp diễn ra ở các địa phương vừa qua, đặc biệt ở hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM cho thấy, độ “nóng” của câu chuyện hụt thu ngân sách.

Trước hết, nói về nguyên nhân khách quan dẫn đến hụt thu thuế. Đó là năm nay, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thua lỗ, thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động.

Trong 9 tháng qua, có tới 42.450 doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, mà theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp các địa phương, trong đó rất nhiều doanh nghiệp có bề dày kinh doanh. Vậy nên với hơn 11.000 doanh nghiệp gượng dậy, quay trở lại thương trường trong 9 tháng qua, thì mức đóng góp cho ngân sách không thể bù lại cho khoản hụt thu từ số lượng lớn doanh nghiệp ngừng hoạt động. Còn số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, đương nhiên chưa thể có đóng góp gì trong năm nay.

Với những chính sách miễn giảm thuế, theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, được ngành tài chính thống kê, dự kiến sẽ để lại doanh nghiệp, “nuôi dưỡng nguồn thu”  hơn 37.000 tỷ đồng, làm hụt khoảng 0,05% nguồn thu ngân sách theo dự kiến.

Để sang một bên những lý do khách quan làm hụt thu lớn cho ngân sách Nhà nước, có thể nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan, đó là thời gian qua, các cơ quan có trách nhiệm thu thuế chưa làm tròn trách nhiệm “thu đúng, thu đủ”.

Những câu chuyện cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu doanh nghiệp, bắt chung chi, đôi bên cùng có lợi, thường được nhân viên của doanh nghiệp rỉ tai nhau, cho thấy đấy là “chuyện thường ngày” của doanh nghiệp. Đóng thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng ít doanh nghiệp nào coi đây là trách nhiệm, mà càng bớt được đồng thuế nào, càng tốt.

Do vậy, việc doanh nghiệp “im hơi lặng tiếng”, không kêu ca gì khi bị cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu là điều dễ hiểu. Trong những năm “tăng trưởng nóng”, việc thu thuế thuận lợi, ngành thuế, hải quan dễ dàng đạt chỉ tiêu thu ngân sách, rất ít vụ việc tiêu cực bị phanh phui, phát giác. Đến giai đoạn khó khăn này, mới thấy nhiều việc bị “lộ”. Điều này cũng chưa hẳn do khó khăn, doanh nghiệp trốn thuế nhiều hơn, mà phần nhiều do họ không còn sức chịu đựng những vòi vĩnh của các cán bộ biến chất, phải liều mình tố giác. Như vụ mới đây nhất, 3 cán bộ thuế ở Chi cục thuế Quận 1, TP HCM bị khởi tố, nhận án phạt tù từ 2-4 năm do vòi tiền, nhận hối lộ của doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, nhiều vụ gian lận, trốn thuế đã bị phát hiện, truy thu cho ngân sách nhiều tỷ đồng và ngăn chặn được những “hậu quả tiềm năng”, gây hụt thu ngân sách, như vụ việc Tổng Công ty May Đức Giang, vừa bị cơ quan thuế truy thu 4 tỷ đồng, do quá trình thực hiện thanh khoản hồ sơ hải quan, doanh nghiệp đã khai báo không đúng với thực tế sản xuất, sử dụng vải nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu để sản xuất sản phẩm bán ra thị trường nội địa, do thuế suất nguyên liệu nhập khẩu đối với hai loại hình sản xuất này có sự khác biệt. Rồi việc Tổng cục Hải quan vừa công bố 7 doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm sữa có giá khai báo thấp so với cơ sở dữ liệu giá. Các sản phẩm này đã bị Hải quan điều chỉnh tăng giá áp thuế nhập khẩu với mức điều chỉnh từ 2- 65%.

Rõ ràng, khi cơ quan chức năng quyết liệt, thì ngăn chặn được rất nhiều hành vi trốn thuế. Đây chính là việc thực hành thu “đúng và đủ”, cơ quan chức năng thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

Chính vì vậy, những cơ quan này càng không thể viện dẫn những lý do kiểu như năng lực cán bộ hạn chế, hành vi trốn thuế của các đối tượng ngày càng tinh vi… mà bao biện cho việc để thất thoát thuế. Việc hàng loạt các công ty nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam, toàn những tên tuổi đình đám của thế giới, kinh doanh lỗ triền miên, mà mới chỉ bị “đặt nghi vấn” chuyển giá trốn thuế, làm dư luận hết sức bức xúc, vì một thực tế rõ ràng: không có lợi, nhà đầu tư nước ngoài cứ ùn ùn vào nước ta làm gì ?!

Mới đây, ngoài Coca-cola, Metro, ADIDAS…, qua báo cáo của Thanh tra Chính phủ, danh sách “nghi vấn” này được kéo dài, thêm những cái tên đình đám khác như Công ty Sumitomo Việt Nam, Nesle Việt Nam, với nhiều năm báo lỗ liên tiếp, mà vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, chiếm thị phần lớn trên thị trường. Công cụ để ngăn chặn chuyển giá trốn thuế, đến nay mới có một giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra, và cho là sẽ có hiệu quả tốt,  đó là áp dụng việc thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA). Bộ Tài chính đã đưa ra cam kết “gấp rút xây dựng” phương pháp này!  Rõ ràng việc áp dụng công cụ chống chuyển giá, trốn thuế tới nay là quá chậm trễ, nhưng “muộn còn hơn không”.

Phương châm “Thu đúng, thu đủ, song hành cùng các chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, đó là cách tăng thu ngân sách bền vững”, cần phải được “ngấm” tới từng cán bộ thực thi nhiệm vụ này!./.