Để tiến tới thực hiện mức lương tổi thiểu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, luật pháp Việt Nam cho phép tăng cường thương lượng tiền lương, tuy nhiên giữa quy định của luật pháp và tổ chức thực hiện đang có khoảng cách. Điều này thể hiện rõ trong thương lượng tiền lương tại các doanh nghiệp hiện nay.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân về nội dung này. 

** PV:Thưa ông, có ý kiến cho rằng, hiện nay giữa quy định của luật pháp và tổ chức thực hiện thương lượng tiền lương trong các doanh nghiệp đang có khoảng cách, ý kiến của ông như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân:Thương lượng là điểm rất mới trong Bộ Luật lao động đang được nhấn mạnh. Tuy nhiên, giữa quy định của luật pháp và tổ chức thực hiện đang có khoảng cách.

ong_huan_herp.jpgThứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân
Ở đây thương lượng tiền lương chúng ta phải phân biệt ra 2 loại. Thứ nhất là thương lượng cấp quốc gia giữa các bên chính là Hội đồng tiền lương quốc gia nhằm đặt ra mức lương tối thiểu. Đó là xây dựng mức sàn để lương tối thiểu bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động. Còn thương lượng tiền lương nói chung của doanh nghiệp là các doanh nghiệp căn cứ vào sàn đó để thương lượng, thỏa thuận những mức lương cao hơn, phù hợp với công việc, phù hợp với nhu cầu của người lao động.

Hiện nay, việc thương lượng để xác định các mức lương thì các doanh nghiệp đang thực hiện rất yếu. Đây là một thực tế. Luật pháp cho phép thương lượng và mong muốn đẩy mạnh thương lượng lên, nhưng trên thực tế chúng ta chưa thực hiện được. Yếu kém ở đây trước tiên phải thuộc về bản thân người lao động. Nhận thức của người lao động và doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vấn đề này. Cho nên, tôi nghĩ nếu chúng ta liên kết được tiếng nói chung của người lao động thì chắc chắn người sử dụng lao động phải nhân nhượng, phải có sự điều chỉnh lại chính sách để làm sao thực hiện mức lương đó nó phù hợp và đáp ứng được một phần của người lao động. Đây là việc mà trong thời gian tới chúng ta phải tổ chức thực hiện. 

** PV:Trong những lần tăng lương gần đây, qua thanh tra, Bộ LĐTBXH có phát hiện doanh nghiệp nào không tăng lương cho người lao động theo quy định không, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Trong thanh tra có phát hiện nhưng tỷ lệ không lớn. Người sử dụng lao động luôn biết lương tối thiểu là như thế nào. Đây là sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận với nhau và không được trả thấp hơn mức sàn. Còn tùy vào công việc cụ thể, tôi cho rằng phải nâng cao năng lực hơn nữa trong thương lượng, mới giải quyết được vấn đề. Bởi vì, theo tôi được biết, thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang cố tình lợi dụng, trả lương cho người lao động chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút. Ngoài ra, là phải tính đến khả năng của doanh nghiệp.

Thực tế của chúng ta hiện rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Do sản xuất kinh doanh giá trị gia tăng thấp, cho nên khả năng để tăng lương cho người lao động cũng khó khăn.

 ** PV:Vậy những doanh nghiệp vi phạm bị xử lý như thế nào. Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Trong Nghị định 95 về xử phạt, chúng ta phạt nhưng mức phạt của chúng ta hiện nay thấp. Hiện nay chúng ta đang điểu chỉnh lên hơn 70 triệu đồng để răn đe, nhưng quan trọng nhất là minh bạch thông tin, công khai thông tin.

Sắp tới chúng tôi tăng cường huấn luyện kỹ năng thương lượng, trước hết là cho tổ chức công đoàn và trong quá trình thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, nếu phát hiện doanh nghiệp có hiện tượng này, chúng ta phải công khai việc ép lương của người lao động, phải công khai thông tin.

Còn khi thanh tra phải xử lý vấn đề này, tôi nghĩ phải bằng nhiều biện pháp. Có thể nói, đại diện người lao động mà đặc biệt là tổ chức công đoàn có vai trò rất lớn trong thương lượng để thỏa thuận tiền lương. Tất nhiên là phía nhà nước tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, cung cấp thông tin về các mức lương để làm căn cứ hỗ trợ người lao động và đại diện người lao động thương lượng với người sử dụng lao động…

** PV:Vâng, xin cảm ơn ông./.