Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2014 – 2015 cũng như bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc, giữ đúng lời hứa với người lao động: “Tăng lương theo đúng lộ trình”.

VOV.VN phỏng vấn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng về vấn đề này.

PV: Thưa ông, đến giờ này đã gần như chắc chắn sẽ không tăng lương cơ bản năm 2015. Là người đại diện cho quyền lợi của người lao động ông nghĩ gì về việc 2 năm liền Chính phủ lỡ hẹn chuyện tăng lương với người lao động, đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Vấn đề trả lương cho người lao động đã được Quốc hội thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2012 trong đó Khoản 1 Điều 91ghi rõ:

“Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Khu vực ngoài nhà nước người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp 2 phiên và đi đến thống nhất là từ ngày 01/01/2015 lương tối thiểu sẽ tăng từ 14,5%-15% so với hiện tại (cho cả 4 vùng) đang trình Chính phủ thông qua để thực hiện.

Trong khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương để đạt mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu.

Phân bổ ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Chính phủ trình Quốc hội đề nghị không tăng lương theo lộ trình, nhưng Quốc hội đang thảo luận bàn bạc và quyết định ngân sách năm 2015, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ nguyên lộ trình tăng lương.

PV: Nếu không tăng lương đồng loạt, theo ông có cần thiết tăng lương cho một số đối tượng khó khăn? (ví dụ như người nghỉ hưu lâu năm và những ngành đặc thù…)

Ông Đặng Ngọc Tùng: Tôi đồng tình với ý kiến này, nhưng theo tôi đây là giải pháp cuối cùng, khi thực hiện các giải pháp khác để tăng lương theo lộ trình đều không thể thực hiện được, bắt buộc phải thực hiện giải pháp cuối cùng này.

PV:

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong trả lời phỏng vấn của VOV.VNđã khẳng định cho dù có ngừng hết mọi hoạt động đầu tư cũng không thể tăng được lương vì bộ máy hưởng lương của ta quá cồng kềnh. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Theo tôi, trong Quốc hội có rất nhiều chuyên gia giỏi về tài chính, kinh tế, về quản lý điều hành và sẽ có nhiều ý kiến hay, đóng góp cho Quốc hội để tìm ra giải pháp tối ưu nhất điều hành ngân sách nhà nước năm 2015, vừa thực hiện được đầu tư phát triển vừa đảm bảo tăng lương theo đúng lộ trình.

Tôi thấy có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị năm 2015 giảm các đoàn ra, đoàn vào, giảm tiếp khách, giảm các lễ khởi công, khánh thành, giảm các lễ hội tốn kém, giảm các cuộc hội thảo, hội họp trên cả nước… để tiết kiệm tăng lương theo đúng lộ trình, kể cả sử dụng 14.000 tỷ còn dư từ nguồn cải cách tiền lương năm 2014.

PV: Theo ông, nếu không tăng lương, Chính phủ cần cam kết với người dân việc sẽ điều hành giá cả ổn thỏa hơn, chứ không để tình trạng lương không tăng nhưng giá cả tăng phi mã?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Đấy là điều mà tất cả mọi người dân đều mong muốn. Chính phủ điều hành nền kinh tế thật tốt để tất cả hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân ổn định trong năm để bảo đảm mức sống thực tế của người lao động không bao giờ muốn tăng lương lên 10% - 15% mà vật giá lại tăng lên cao hơn.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc thật kỹ, trong trường hợp không thể điều tiết chi cho các mục tiêu khác, mới tính tới việc lùi lộ trình tăng lương. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Quan điểm của tôi là không nên lùi lội trình tăng lương, cần thật tiết kiệm, tính toán thật kỹ và giảm các khoản chi chưa cần thiết. Nhất là các khoản chi cho hội nghị, hội thảo… để đảm bảo lộ trình tăng lương cho người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người về hưu.

Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức mà không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp, họ vui vẻ nhận phòng bì bôi trơn để có thêm thu nhập và đó là nguồn gốc của hối lộ, tham nhũng.

PV: Xin cảm ơn ông!/.