Từ năm 2013 đến nay, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng gần 800 hợp tác xã, giai đoạn 2017-2021 gấp hơn 3 lần giai đoạn 2012-2016. Cả nước hiện có khoảng 2.300 hợp tác xã nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp, trong đó, 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp… Ước tính đến hết năm nay, cả nước sẽ có khoảng 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, số lượng hợp tác xã nông nghiệp đã tăng thêm 12.569 hợp tác xã.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và trong nông nghiệp nói riêng mới chỉ khởi sắc trong 3 - 5 năm trở lại đây; việc khắc phục những yếu kém đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã còn chậm so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết; môi trường thể chế về kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn chậm được cải thiện. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới những năm tới cần thống nhất về tư duy và hành động về yêu cầu tổ chức lại sản xuất quan trọng hơn là phát triển lực lượng sản xuất. Trong đó kinh tế tập thể, hợp tác xã là giải pháp cơ bản để thực hiện thành công quá trình này nhằm phá bỏ lời nguyền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tích hợp đa giá trị.
Từ thực tiễn triển khai ở địa phương, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre chia sẻ: “Nhận trách nhiệm làm đầu mối thực hiện liên kết ngành hàng chủ lực của Bến Tre là bưởi da xanh từ thực tế triển khai đối với hợp tác xã hiện nay không phải là vận động người dân tham gia mà khó khăn lớn nhất đó là tìm được người lãnh đạo, quản lý hợp tác xã. Muốn cho nông dân gắn bó thì hợp tác xã phải làm ăn có hiệu quả, có lợi nhuận đáp ứng được những mong muốn như vậy thì mới thu hút thành viên tham gia và gắn bó với hợp tác xã. Nếu chưa làm được điều này rõ ràng hợp tác xã chưa thể làm tốt được vai trò và rất khó nâng cao được hiệu quả của mình trong việc tổ chức sản xuất và cơ cấu lại nông nghiệp”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã bàn đến câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, làm sao nâng cao sự tự chủ của nền kinh tế trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài. Vì vậy, các địa phương phải thực sự quan tâm đến sự phát triển của hợp tác xã, coi đó là một phần không thể tách rời của kinh tế nông thôn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đầu tư cho nông nghiệp sẽ không thành công nếu không có hợp tác xã. Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp nhưng phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều trong hợp tác và liên kết, bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường ở nông thôn, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nông nghiệp để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khan.
“Trách nhiệm của các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương đều phải chăm lo cho hợp tác xã. Có thể hợp tác xã không mang lại nhiều về thu nhập cũng như tăng trưởng cho 1 địa phương và ngân sách của nhà nước, nhất là hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp nhưng nó chính là nền tảng cho sự liên kết, hợp tác của nông dân những mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân, chuỗi ngành hàng. Hợp tác xã chính là nơi để huy động sức mạnh cộng đồng, nông dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì đó mới tạo ra một sức mạnh đa chiều hơn. Đó là nội dung trọng tâm sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thời gian tới./.