Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua việc cải tạo, xây mới chung cư cũ còn nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Trong đó có yêu cầu 100% chủ sở hữu nhà chung cư cũ cấp D đồng ý mới được phá dỡ, nhưng cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích nên chưa tạo được sự đồng thuận.

Ngoài ra, nhiều chung cư cũ cấp D có diện tích nhỏ, khó mời gọi nhà đầu tư tham gia vì không đảm bảo hiệu quả kinh tế. Trước đây, Quyết định số 1017 năm 2017 của UBND TP.HCM có nội dung ủy quyền, phân công căn cứ vào các luật, nghị định tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã bị huỷ bỏ, thay đổi hoặc điều chỉnh.

Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM nhận thấy cần ban hành quyết định mới thay thế Quyết định số 1017 năm 2017, trong đó uỷ quyền, phân công cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức một số nội dung như: ban hành thông báo kết quả kiểm định chất lượng chung cư; ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; phê duyệt phương án phá dỡ, phương án di dời, bố trí tạm cư; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới chung cư cũ.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức có thẩm quyền công nhận chủ đầu tư, chấp nhận phương án tạm cư, bồi thường, tái định cư theo đề xuất của chủ đầu tư. Đồng thời thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ nhà chung cư do chủ đầu tư lập; tổ chức thẩm định năng lực nhà đầu tư; cho ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của chủ đầu tư./.