Trong khi AI đã và đang hỗ trợ các chính phủ và khu vực tư nhân theo những cách hữu ích, các quốc gia thành viên của UNESCO muốn đảm bảo rằng nó không bị sử dụng cho các mục đích xấu. UNESCO cảnh báo rằng công nghệ này đã gây ra một số tác hại thông qua sự thiên vị về giới và sắc tộc, sự gia tăng giám sát hàng loạt và việc cơ quan thực thi pháp luật sử dụng “các công nghệ AI không đáng tin cậy”.
UNESCO nói rằng, cho đến nay không có bộ tiêu chuẩn chung nào được đưa ra để hướng dẫn mọi người về cách AI nên được triển khai vì lợi ích của con người, vì vậy họ hy vọng văn bản này sẽ thay đổi điều đó.
Audrey Azoulay, trưởng bộ phận UNESCO, cho biết “Thế giới cần các quy tắc để AI mang lại lợi ích cho nhân loại. Khuyến nghị về đạo đức của AI là câu trả lời chính. Nó đặt ra khuôn khổ quy chuẩn toàn cầu đầu tiên trong khi trao cho các quốc gia trách nhiệm áp dụng nó ở cấp độ của họ. UNESCO sẽ hỗ trợ 193 quốc gia thành viên trong việc thực hiện và yêu cầu họ báo cáo thường xuyên về tiến trình và thực tiễn của họ”.
Vài năm qua, Trung Quốc đã bị báo chí chỉ trích nặng nề về việc triển khai hệ thống tín dụng xã hội. Trong khi một số báo cáo đã đánh giá thấp hệ thống, tài liệu mới được ký kết này nói rõ ràng rằng, cần có lệnh cấm sử dụng các hệ thống AI để chấm điểm xã hội và giám sát hàng loạt. Trung Quốc là một thành viên ký kết văn bản này, nhưng liệu quốc gia này có thực sự tuân theo các khuyến nghị hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Được biết, tài liệu về sự phát triển lành mạnh của AI từ UNESCO có độ dài 24 trang và được cung cấp sẵn ở tất cả 6 ngôn ngữ của Liên hợp quốc, gồm Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Ả Rập./.