Liên quan đến tác động của giá dầu mỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn chung giá dầu giảm tác động tích cực đến cả nền kinh tế nói chung. Thực tế điều hành thu chi “dựa” biến động giá dầu đang gây nhiều lo ngại.
Các khoản thu ngân sách kém bền vững
Dẫn số liệu ước tính lần 1 của Bộ Tài chính năm 2014, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: thu ngân sách nhà nước năm vừa qua đạt 846.400 tỷ đồng, đạt 108,1% dự toán năm, trong đó, thu nội địa bằng 106,5% kế hoạch, thu từ dầu thô vượt 25,6% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,4% dự toán… Trong khi đó, chi ngân sách cả năm 1.019,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán.
Còn số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm nay, thu ngân sách ước đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2014, còn tổng chi ngân sách 362,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2014.
Ông Thiên bình luận: “Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua và có mức độ ngày một gia tăng. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm thì việc tăng bội chi cũng có tác dụng tích cực ở mức độ nào đó, nhưng mức nợ công tăng nhanh để tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ là áp lực cho cân đối NSNN những năm sắp tới và gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là khi mục tiêu kiềm chế phát cao được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng”.
Trước thực trạng này, đánh giá “các khoản thu ngân sách là kém bền vững”, ông Thiên chỉ rõ: Việc đưa khoản thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất vào tính toán cán cân ngân sách sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng bội chi từ những con số báo cáo (bởi về bản chất thì đây là việc bán tài sản đi để chi tiêu). Đặc biệt, khoản thu này đang có xu hướng ngày càng giảm dần về quy mô tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong tổng thu và viện trợ khi các tài sản loại này thuộc sở hữu nhà nước đang cạn dần.
Tương tự như vậy, theo ông Thiên, “thu từ việc khai thác dầu thô và tài nguyên khác cũng có bản chất giống như các khoản thu từ việc bán tài sản quốc gia và không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn”.
Khẳng định “thu từ dầu thô có tỷ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước”, ông Thiên chỉ ra rằng, “chứng tỏ tỷ trọng các khoản thu khác đang gia tăng”. Cụ thể, thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21.6% GDP, Trung Quốc là 17.3%, Thái Lan và Malaysia là 15.5%, Indonesia là 12.1% còn Ấn Độ chỉ là 7.8%.
Như vậy, “những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3,0 lần so với các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, tỷ trọng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng thu thuế GTGT, thuế XNK và tiêu thụ đặc biệt đang tăng nhanh. Sự phụ thuộc lớn vào nguồn thuế này khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết WTO sẽ khiến mức độ thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng hơn trong những năm tới”- ông Thiên cảnh báo.
Tận thu là “ăn” vào vốn của doanh nghiệp
Trước thực trạng này, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: “Đánh giá chung, giá dầu giảm tác động tích cực tới tổng thể nền kinh tế, chỉ có ảnh hưởng đến thu ngân sách quốc gia. Nhưng tôi tin rằng, đối với mục tiêu ngân sách năm 2015 vẫn sẽ vượt”. Quan điểm của ông Lịch là không nên vì giá dầu giảm mà tăng thu khác đề bù cân đối ngân sách. “Không nên vì thiếu cái nọ mà ép tận thu cái kia. Tình hình hiện nay mà tận thu là ăn vào vốn của doanh nghiệp. Nếu vì dầu thì hãy chấp nhận nó, đừng thấy giá dầu giảm mà quay vào nội địa để tận thu”- ông Lịch nhấn mạnh.
Cũng quan điểm không nên tận thu, PGS, TS Trần Đình Thiên chỉ ra: Năm 2014, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, có thời điểm giảm đến hơn 50% nhưng thu từ dầu thô của Việt Nam vẫn chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Ước tính, giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng sẽ làm ngân sách hụt thu khoảng 1000 tỷ đồng. Điều này đề ra một yêu cầu cấp thiết phải cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững hơn.
Đơn cử, giá dầu giảm sẽ dẫn đến giá xăng dầu giảm và nó tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế. Nhờ đó, “thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu có thể tăng được để bù đắp cho phần hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu”- ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Thiên còn chỉ ra “tỷ lệ cao của chi thường xuyên cho thấy chưa có dấu hiệu tích cực của cải cách hành chính. Sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền khiến việc cắt giảm chi ngân sách trở nên rất khó khăn”.
Vì thế, theo TS Trần Du Lịch, cần phải cải cách đồng thời nền hành chính công và tài chính công. Trong đó, “đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tách biệt 2 loại ngân sách: ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Nhà nước thống nhất về thể chế tài chính công, còn thiết lập và thực thi ngân sách thì giao quyền tự chủ cho địa phương đối với ngân sách địa phương; ngân sách quốc gia do Quốc hội quyết”./.