Tại hội thảo “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết vĩ mô” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính tổ chức mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cách thức thực hiện hai chính sách này từ lâu nay  “có vấn đề”.

Vẫn còn “lệch pha”

Đánh giá về việc kết hợp hai chính sách này thời gian qua, ngoài những mặt được, TS Đào Minh Tú – Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, hiệu quả phối hợp trong thực thi hai chính sách này vẫn còn hạn chế, đôi khi thiếu đồng bộ và nhịp nhàng, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Ông Tú dẫn chứng, bước sang năm 2010, trong khi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng thì chính sách tài khóa lại mở rộng quá mức, nhất là trong đầu tư công để đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn năm 2009. Kết quả là mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 6,78% nhưng lạm phát năm 2010 lại tăng tới 11,75%, cao gấp 2 lần so với năm 2009. Khi đó, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có lạm phát 2 con số. Đồng thời, chính sách tài khóa năm 2010 cũng gây áp lực lớn đối với lạm phát 2011.

Chính từ thực tế này, TS Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, cơ cấu kinh tế Việt Nam sau bao nhiêu năm đến giờ về cơ bản vẫn như vậy, những gì yếu kém cũng vẫn không được cải thiện, thậm chí có những yếu tố còn xấu hơn.

Từ thực tế mà ông Đào Minh Tú phản ánh cùng những bình luận của TS Hà Huy Tuấn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, câu chuyện không phải chỉ dừng lại sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa giữa 2 cơ quan (Bộ Tài chính và NHNN), mà chính sách đó cần được thiết kế trên tổng thể của nền kinh tế một cách nhịp nhàng từ khâu nghiên cứu đến thực hiện chính sách. Vì trên thực tế, dù có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan nhưng chính sách đưa ra nhiều khi không đồng nhất thậm chí còn trái chiều nhau, ít nhất lệch pha nhau về thời gian. Vì vậy các chính sách không phát huy được hiệu quả cao của nó để phục vụ cho sự phát triển kinh tế một cách ổn định hay lành mạnh.

“Đúng như anh Hà Huy Tuấn nói đến bây giờ những điểm yếu cốt lõi của nền kinh tế vẫn còn nguyên đó. Thậm chí có mặt còn nặng nề hơn. Điều đó đòi hỏi các chính sách trung hạn và dài hạn chứ không phải chữa cháy trước mắt” – bà Chi Lan nói.

Tiến sỹ Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng chỉ ra rằng, một thời gian dài chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chưa thực hiện đúng chức năng của mình. Cả một thời kỳ dài chính sách tiền tệ đã thực hiện chức năng in tiền ra để chuyển sang chi tiêu ngân sách. Đó là một trong nguyên nhân gây ra lạm phát. Vì vậy vấn đề phối hợp chính sách hiệu quả hơn thì không thể đơn thuần là chia sẻ thông tin mà hai chính sách này cần thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.

 

Bất ổn về tài chính

TS Hà Huy Tuấn cho rằng, cùng với nguyên nhân trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa hợp lý, chính sách tài khóa là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến lạm phát của năm 2011 tăng cao khó kiểm soát. Tình trạng vừa trì trệ trong sản xuất, vừa chịu lạm phát cao gây ra những bất ổn vĩ mô lớn. Vì vậy, có thể nói, mối quan hệ giữa chi tiêu công với lạm phát cũng như với sự an toàn của thị trường tài chính quốc gia là khá rõ ràng. Chi tiêu công kém hiệu quả, thâm hụt kéo dài dẫn đến nợ công tăng nhanh trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra những bất ổn cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, tạo nên những rủi ro không nhỏ cho sự an toàn của nền tài chính quốc gia thời gian tới.

Theo đánh giá của các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong mức an toàn. Tuy nhiên, theo TS Hà Huy Tuấn, có thể thấy vấn đề an ninh tài chính của Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục an toàn cho đến năm 2020 nếu như ngay từ bây giờ không có sự điều chỉnh chiến lược tài chính và mô hình tăng trưởng hợp lý hơn. Với một cú sốc của nền kinh tế (như tăng trưởng GDP sụt giảm, biến động mạnh về tỷ giá hối đoái…) hay một cú sốc kinh tế từ những quốc gia có những định chế tài chính là chủ nợ của Việt Nam, thì có thế ngay khi đó sự an toàn tài chính quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo phân tích của ông Tuấn, từ năm 2007 đến nay, sản lượng tiềm năng của Việt Nam luôn thấp hơn tăng trưởng thực và có độ chênh khoảng 0,5-1,5 điểm %. Điều này cho thấy, chúng ta phải sớm điều chỉnh mô hình tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng hợp lý hơn với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng ở mức 6-6,5%. Việc làm này sẽ góp phần làm giảm sức ép tăng trưởng cho việc điều hành CSTT và CSTK trong giai đoạn bước đệm, giảm áp lực vay nợ trong và ngoài nước do tăng trưởng nóng gây ra.

Bên cạnh đó, để giữ vững sự ổn định an ninh tài chính, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa CSTT và CSTK. Cụ thể, là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc đấu thầu trái phiếu chính phủ, tránh gây nên những bất ổn cho thị trường tài chính và nền kinh tế như những năm qua.

Để hai chính sách quan trọng này của nền kinh tế phát huy hiệu quả, TS Tô Kim Ngọc đề nghị: “Cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động theo đuổi mục tiêu trung và dài hạn của chính sách tiền tệ. Hiện nay ngân hàng Trung ương chưa có mục tiêu riêng mà phụ thuộc vào mục tiêu của Quốc hội. Đồng thời hệ thống ngân hàng yếu kém thì khả năng chuyển tải tiền tệ với nền kinh tế không thể chuyển tải được có nghĩa là ngân hàng Trung ương đưa ra mục tiêu như thế này nhưng khi vận hành xong thì không thể chuyển tải đến nền kinh tế. Chúng ta đã hoàn toàn dùng biện pháp hành chính. Chính sách thì hoàn toàn đúng nhưng khi triển khai là có vấn đề. Ngân hàng phải xác định rất rõ ràng mục tiêu chính sách tiền tệ và tập trung vào hệ thống ngân hàng thương mại”.

Để việc phối hợp giữa hai chính sách này được hiệu quả hơn, theo ông Đào Minh Tú, trước mắt, năm 2012, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp để góp phần thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu mà Quốc hội và chính phủ đã đề ra kiểm soát lạm phát ở 1 con số và không để tăng trưởng kinh tế dưới 6%, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để ngăn chặn kịp thời tình trạng số lượng DN phá sản đang ngày càng gia tăng./.