Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước ngày 20/5, dự kiến, Đề án thành lập Công ty mua bán nợ xấu (VAMC) và Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC sẽ được phê duyệt trong tháng 5/2013, theo đó VAMC sẽ được thành lập và đi vào hoạt động ngay trong quý II/2013. VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của NHNN.
Về cơ chế xử lý nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước.
Thông qua việc mua và xử lý nợ xấu, VAMC cung cấp các giải pháp để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC như: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành. Ngoài ra, VAMC với các cơ chế hoạt động, các quyền đặc thù cùng với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách thuế,… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD, VAMC xử lý nợ và tài sản bảo đảm đã mua. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá.
Trước đó, căn cứ tỷ lệ mức sở hữu cổ phần của một cổ đông (15%) được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần yếu kém tại Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015", Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP. Theo đó, mức sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 20% không phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung quy định: Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.
Ngân hàng Nhà nước tham gia việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trên các khía cạnh như lãi suất, xử lý nợ xấu của ngân hàng…
Cụ thể, về lãi suất: Trong thời gian qua, NHNN đã giảm khá mạnh trần lãi suất huy động và các lãi suất chủ chốt (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm), đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước giảm chi phí trả nợ và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.
NHNN đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập VAMC. Việc VAMC ra đời và đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thành công.
Thực hiện thoái vốn đầu tư dưới dạng các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước tại các tổ chức tín dụng./.