Đến thời điểm này đã có 50 sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi của 5 doanh nghiệp đăng ký giảm giá từ ngày 20/4, với mức giảm từ 0,4 - 4%.
Trước đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá các sản phẩm sữa dưới 24 tháng tuổi. Câu hỏi đặt ra là mức giảm này có hợp lý không và các biện pháp kiểm soát giá sữa trong thời gian tới có đủ mạnh để ứng phó với các doanh nghiệp lách luật tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng?
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính về vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện tại việc kê khai giá của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa đã có những kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, đến ngày 15/4 có 5 doanh nghiệp thực hiện kê khai giá về Bộ Tài chính. 5 Công ty này gồm Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A và Công ty TNHH Tiên Tiến - nhà phân phối của Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thì kê khai về các Sở Tài chính.
Thống kê đến thời điểm này xác định được 50/177 dòng sản phẩm cho trẻ dưới 24 tháng tuổi kê khai giá tại Cục Quản lý – Bộ Tài chính. Mức giảm giá từ 0,4-4% tùy dòng sản phẩm.
PV: Lần này, các doanh nghiệp phải loại bỏ chi phí quảng cáo đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, mức giảm từ 0,4 – 4% liệu có hợp lý không, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện chi phí quảng cáo đối với các dòng sản phẩm đang khống chế ở mức từ 10-15% tùy dòng sản phẩm, có dòng 0%, còn phụ thuộc sản phẩm bán được trên thị trường hay không và chính sách kinh doanh của từng doanh nghiệp. Căn cứ vào việc phân bổ chi phí quảng cáo đó mà doanh nghiệp loại ra khỏi cơ cấu giá và kê khai giảm giá đối với cơ quan quản lý về giá.
Thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ về cấm quảng cáo đối với sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phân loại các dòng sản phẩm này ra để thực hiện rà soát các yếu tố chi phí quảng cáo trong giá và đề nghị loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá.
5 doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá về Bộ Tài chính và tiết giảm đối với dòng sản phẩm dưới 24 tháng tuổi từ 0,4-4%. Đây là đợt giảm thứ hai so với đợt tiết giảm do chi phí quảng cáo sau khi có kết quả thanh tra của Bộ Tài chính. Bước đầu giảm từ 0,4 – 4% là phù hợp.
PV: Hiện, nhiều hãng sữa đã nhanh chóng phân lại độ tuổi và tăng giá một số sản phẩm. Ý kiến của Cục Quản lý giá về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Về mặt phân loại và lưu hành trên thị trường hoàn toàn do cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế quản lý. Doanh nghiệp thay đổi mẫu mã, hoặc cần phải phân loại thì phải đăng ký với cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế. Trên cơ sở Bộ Y tế cấp phép lưu hành, cơ quan quản lý nhà nước về giá mới rà soát để thực hiện quản lý giá tối đa theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Hiện nay, việc phân loại các sản phẩm sữa để giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về giá thực hiện bình ổn giá theo quy định Luật giá. Chúng tôi đều nắm được tình hình phân loại của các doanh nghiệp. Tất cả các dòng sản phẩm mới ra thị trường đều phải xác định giá tối đa. Trên cơ sở đó sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt được tình hình quản lý giá đối với các dòng sản phẩm mới này.
PV: Vậy thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát việc loại chi phí quảng cáo và giảm giá sữa của các doanh nghiệp như thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi thường xuyên rà soát các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 20 tháng tuổi. Ngoài 50 sản phẩm, nếu có sản phẩm mới thì cũng sẽ rà soát chặt chẽ để xác định giá tối đa theo quy định của Nghị định 100 cũng như Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
PV: Cảm ơn ông!