Sau hơn 5 năm làm nghề nuôi cá lồng, gia đình anh Lò Văn Ban, ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đang duy trì 70 lồng nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao, như: Lăng, trắm cỏ, nheo, rô phi…, trừ tất cả chi phí, gia đình cũng thu lãi gần 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh Ban vẫn băn khoăn, sản phẩm cá chỉ cung cấp cho các thương lái ở huyện Quỳnh Nhai và Thành phố Sơn La như hiện nay thì thật sự chưa bền vững, nhất là khi mà sản lượng cá trong vùng ngày càng tăng cao, do số hộ nuôi cá và quy mô hộ đang ngày một gia tăng.

ca_11_wasy.jpg

 

Sau hơn 5 năm làm nghề nuôi cá lồng, gia đình anh Lò Văn Ban, ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đang duy trì 70 lồng nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao.

Khi thị trường bão hòa, rất có thể thương lái sẽ ép giá người nông dân như hồi trồng ngô, trồng sắn trước kia. Hơn nữa, để sản phẩm vươn tới các thị trường khó tính và có thể xuất khẩu, đòi hỏi phải có kỹ thuật nuôi trồng khắt khe hơn.

“Thời gian tới, tôi mong muốn là mở lớp tập huấn cho chúng tôi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nuôi cá lồng bè. Đề nghị các cấp, Đảng, Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, cho vay vốn ưu đãi hơn và dài hạn hơn”, anh Ban nói.

 Anh Cầm Văn Sâm, bản Lả Mường, xã Mường Trai, huyện Mường La cũng không khỏi đắn đo, khi gia đình muốn mở rộng quy mô nuôi trồng, mà việc tiêu thụ 3 tấn cá của gia đình hiện chỉ trông chờ vào mấy thương lái ở huyện: “Nhà tôi cũng muốn mở rộng thêm vài lồng nữa nhưng bây giờ việc bán cá khó khăn quá. Có hôm có người đến mua cho thì đỡ, chứ nhiều hôm 2 bố con tôi cứ phải chở xe máy ròng ròng đi bán, có hôm không bán được, chẳng biết làm thế nào. Bây giờ có nơi mua ổn định cho thì bà con nuôi cá lồng vui sướng biết bao”.

Phân tích về thực tế này, ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai cho biết, với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Quỳnh Nhai sẽ hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc hữu của vùng.

   Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Quỳnh Nhai sẽ hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất...

Để cho các sản phẩm cá Sông Đà được tiêu thụ, chúng tôi hướng tới xây dựng các sản phẩm thủy sản từ cá Sông Đà thành các sản phẩm OCOP, theo chương trình mỗi xã một sản phẩm để quảng bá sản phẩm cá Sông Đà trên thông tin đại chúng, rồi từ đó xúc tiến, đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Dũng nói.

Gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm

Phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái

Gắn phát triển nuôi thủy sản với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La

Có cơ chế khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, để nuôi trồng cá lồng phát triển bền vững và sản phẩm vươn đến các thị trường khó tính thì phải nâng cao tính “chuyên nghiệp” trong việc nuôi trồng.

“Thời gian tới đây, chúng ta phải làm tốt mấy khâu; một là, tiếp tục sản xuất theo đúng quy trình; hai là đẩy mạnh hoạt động mở rộng thị trường, giới thiệu các sản phẩm thủy sản và tìm các thị trường tiêu thụ lớn, đây là vấn đề rất quan trọng; có thể xây dựng được những cơ sở chế biến thủy sản tại Sơn La; thứ ba tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho ngành thủy sản phát triển trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.

Tập trung nuôi trồng thủy sản đúng các quy trình, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Mở rộng xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm cá tầm, cá trắm đen, cá lăng vàng đi quảng bá, giới thiệu và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi của tỉnh.

Làm việc với hiệp hội basa, với các tập đoàn xuất khẩu thủy sản lớn, khi họ đồng ý thu mua sản phẩm, người ta cấp đông, sơ chế rồi xuất khẩu

Với mục tiêu đến năm 2020 Sơn La sẽ có 10.000 lồng cá nuôi trồng ổn định, sản lượng hơn 8.000 tấn, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: tỉnh sẽ phải đánh giá và hướng dẫn các huyện, các hộ gia đình nếu mở rộng thì mở rộng ở những loại nào, ở vùng nào. Đặc biệt để tiêu thụ được sản phẩm thì phải đạt được 3 khâu: giá đầu vào, chi phí khâu sản xuất và phải có lợi nhuận.

“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 2401 của UBND tỉnh

giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục rà soát và ban hành chính sách hỗ trợ  nghề nuôi cá lồng, nhất là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện bao tiêu sản phẩm với các cơ sở nuôi, tạo nguồn cung ổn định và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, như cá trắm đen, trắm cỏ, cá lăng, cá chiên, cá chép, rô phi đơn tính và cá Tầm…”, ông Hoàng Quốc Khánh cho hay.

Tỉnh sẽ rà soát tổng thể, nếu phát triển tốt thì mở rộng để phát triển.  Ngành nông nghiệp cùng với các hợp tác liên hiệp phối hợp để xác định thị trường tiêu thụ, làm thành chuỗi giữa hợp tác, giữa nông hộ với hệ thống các siêu thị tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xuất được các sản phẩm cá khác của Sơn La.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các hợp tác xã từ quản trị, từ kế hoạch, cung ứng nguồn giống, bao tiêu sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt là phải quản lý chặt chẽ tổng sản lượng nuôi trồng, sản lượng xuất ra thị trường và thương hiệu đó là chất lượng sản phẩm.

Nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc hữu của vùng.

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, gắn với phát triển du lịch vùng lòng hồ tại lòng hồ Thủy điện Sơn La đang là hướng đi được tỉnh Sơn La đẩy mạnh. Sau gần 10 năm thực hiện, có thể thấy rõ hướng đi và hiệu quả.

Tuy nhiên, để ổn định và bền vững thì cần tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực lớn của tập thể đảng bộ tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các địa phương, mà trên hết là của mỗi đảng viên trong việc triển khai kỹ thuật nuôi an toàn, đặc biệt là xây dựng, giữ vững thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu./.

Cùng loạt bài: Cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La: Nghị quyết hợp lòng dân

Bài 1: Nuôi cá lồng “một vốn bốn lời“

Bài 2: Đảng viên là “đầu tàu” trong nuôi cá lồng ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La

Bài 3: Sơn La làm gì để cá lồng “bơi” ra “biển” lớn?