Hiện nay, các đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện những công việc còn lại để sẵn sàng cho ngày thông xe.
Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, được khởi công từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng theo hình thức BOT. Sau khi thông xe toàn tuyến, đường cao tốc này sẽ có 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn xe an toàn ở 2 bên đường, với vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Cao tốc hiện đại nhất nước này được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi đó, ôtô từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Long Thành chỉ còn 20 phút, đi Vũng Tàu mất một giờ 20 phút và đi Dầu Giây chỉ còn một giờ.
Từ nút giao Dầu Giây, tuyến cao tốc này sẽ được nối tiếp với tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và Dầu Giây – Phan Thiết. Cao tốc này còn đầu tư hệ thống camera đảm bảo giám sát hình ảnh trên toàn tuyến và áp dụng thu phí không dừng.
Ông Phan Đam Sa, Phó Trưởng Thanh tra điều hành dự án Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị được gần 1 tháng nay, công tác nhân sự đã được tuyển dụng để vận hành, thu phí. Bên cạnh đó đầu tư mua sắm thiết bị, chuẩn bị vận hành được an toàn. Đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên để đảm bảo việc vận hành được hiệu quả và an toàn”.
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, tháng 1/2014, 20 km đầu tiên, bắt đầu tư đường vành đai 2 – Thành phố Hồ Chí Minh đến quốc lộ 51 - Đồng Nai đã được thông xe./.