Mục tiêu hoạt động của Sàn là tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. Từ đó, đẩy cao vị thế của VAMC nhằm tạo động lực xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với vai trò trung tâm của VAMC trên thị trường. Tuy vậy, những rào cản về quyền lợi của người tham gia cùng cơ chế xử lý nợ xấu vẫn khiến nhà đầu tư chưa mặn mà.
Theo chuyên gia pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, điều kiện cần và đủ để sàn đi vào hoạt động, quan trọng nhất là công khai minh bạch thông tin rộng rãi về các khoản nợ.
“Thị trường có thể tiếp cận, giống như câu chuyện đấu thầu đấu giá. Khi nhiều người đều biết về khoản nợ đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, với giá bán được tiếp cận tốt nhất để mua bán. Đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải thực sự giải quyết bản chất giao dịch. Còn hiện nay mới ở kênh niêm yết, tạo điều kiện bước đầu người mua - người bán đến với nhau để hình thành thị trường”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Nhìn nhận ở góc độ triển vọng thị trường, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, việc thành lập Sàn Giao dịch nợ sẽ thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Khi đã hình thành thị trường mua bán nợ tập trung và có sự tham gia của các thành phần kinh tế sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ, thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như dòng vốn trên thị trường./.