Dù tuổi cao và mang trên mình những di chứng của chiến tranh, sức khỏe giảm sút nhưng những cựu chiến binh, thương bệnh binh ở vùng cao tỉnh Bắc Kạn vẫn nỗ lực không ngừng để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu bằng ý chí, nghị lực của những người lính.
Ông Triệu Văn Đàm ở thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể từng tham gia đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam và sau đó là chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông xuất ngũ với tỷ lệ thương tật ảnh hưởng 60% sức khỏe và di chứng chất độc da cam.
Năm 2016, ông Triệu Văn Đàm là người đầu tiên ở thôn Khuổi Luồm đưa giống bí xanh thơm về trồng. Khi đó, loại cây này chưa được người dân mặn mà và tỏ ra hoài nghi. Với những thử nghiệm ban đầu thành công, ruộng bí xanh cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích. Bí xanh thơm và trà bí xanh thơm đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn. Ngôi nhà khang trang ven tỉnh lộ 258 mới hoàn thành của gia đình ông Đàm cũng một phần nhờ nguồn thu nhập từ hơn 2.500m2 ruộng trồng bí.
“Bí xanh thơm và trà bí xanh được công nhận sản phẩm OCOP vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm mỗi công dân của xã Yến Dương, khi mỗi người dân đã cùng Ban Giám đốc HTX xây dựng nên sản phẩm đặc trưng cho địa phương mình”, ông Đàm nói.
Thương binh Trương Văn Phấn ở thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cũng trở thành tấm gương khởi nghiệp khi đã ở tuổi thất thập. Ông cùng vợ xây dựng nên HTX Nông nghiệp Đức Mai và trải qua nhiều thăng trầm với đủ các ngành nghề, từ chăn nuôi lợn, buôn bán thức ăn gia súc, cung ứng vật liệu xây dựng...
Năm 2019, người thương binh này đã cho ra đời sản phẩm cao Gắm mang thương hiệu Bảo An và được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn. Mỗi năm, hàng tạ cao Gắm được đóng hộp, dán nhãn gửi đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Dù phơi nhiễm chất độc da cam với tỉ lệ suy giảm sức khỏe tới 76% nhưng thương binh Trương Văn Phấn đã trở thành một gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bắc Kạn.
“Mỗi người khi còn sức lực phải lao vào công việc, nhất là những người đã từng đi qua quân ngũ lại càng phải phát huy tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ, tích cực sản xuất để kinh tế ổn định, con cháu học hành thành người. Hiện HTX đang cố gắng tăng công suất 2-3 lần để đủ sản phẩm bán ra thị trường”, ông Phấn suy nghĩ giản dị.
Hơn 10 năm trước, khi nhắc tới Phia Khao là nhắc đến một trong những thôn khó khăn nhất của xã Bản Thi và cả huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Phia Khao không có ruộng nhưng lại có lợi thế là nhiều bãi chăn thả gia súc, khí hậu khá ôn hòa và có cây su su phát triển tốt.
Cựu chiến binh Phạm Hữu Nghiệp, Bí thư Chi bộ Phia Khao đã cùng những đảng viên trong chi bộ mạnh dạn phát triển đến hàng nghìn gốc su su, áp dụng chăm sóc theo mô hình rau an toàn sinh học.
Ông Nghiệp còn cùng những đảng viên ở đây đã có một quyết định táo bạo đó là thành lập HTX vào năm 2018. Su su Phia Khao đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Nhờ trồng trọt, chăn nuôi, tỉ lệ hộ nghèo ở Phia Khao đã giảm 50%.
“Quyết định thành lập HTX để để mô hình sản xuất sẽ mang tính tập thể, từ đó thu hút thêm bà con tham gia. Hơn nữa, khi hoạt động bằng mô hình HTX sẽ giúp cho đầu ra sản phẩm ổn định hơn trước kia, khi việc tiêu thụ sản phẩm khó khaen, bà con bán sản phẩm nhỏ lẻ thường bị tư thương ép giá”, ông Phạm Hữu Nghiệp nói.
Bắc Kạn là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Phát triển những sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng của địa phương đang là một trong những hướng đi mang tính đột phá để Bắc Kạn, giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Rất nhiêu mô hình HTX được thành lập và kinh doanh hiệu quả do cựu chiến binh, thương binh làm chủ giúp trên 1.100 hộ hội viên thoát nghèo.
Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn đánh giá, các Hội Cựu chiến binh đã chủ động thành lập nhiều HTX, tổ hợp tác, qua đó kêu gọi và giúp đỡ các thành viên thoát nghèo, làm giàu bền vững. “Qua hoạt động làm kinh tế của các Hội Cựu chiến binh, ai cũng thấy sức lan tỏa rất lớn của phong trào hội viên Hội Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế cùng nhau thoát nghèo bền vững”, bà Thanh khẳng định.
Dù trực tiếp hay đóng góp một phần công sức để xây dựng nên các sản phẩm mang thương hiệu OCOP, các cựu chiến binh và những thương, bệnh binh của tỉnh miền núi Bắc Kạn đã thể hiện được phẩm chất của người lính, nỗ lực, sáng tạo để thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương./.