Sau khi đọc qua tài liệu về cuộc sống và chiến đấu của thương binh Nguyễn Thanh Điềm, tôi đã lần đầu gặp anh tại Hà Nội giữa những ngày tháng 7. Nhân kỷ niệm 75 năm tri ân Thương binh - Liệt sĩ, tôi hỏi anh ba câu:
"Từ nguồn cơn nào mà anh được bầu làm Chủ tịch Hội phát triển nguồn lực tri ân liệt sĩ?"
Nguyễn Thanh Điềm, trạc tuổi cổ lai hy với tôi nhìn người bạn mới quen chăm chắm, không phải vì câu hỏi mà vì chưa được chuẩn bị bài bản như bao lần khác trước phóng viên báo chí. Thấy tôi cười ái ngại, anh nói luôn:
“Đơn giản thôi mà. Hơn ba mươi năm chiến đấu giải phóng Miền Nam và bảo vệ chính quyền hậu chiến tôi nhận ra một cách sâu nặng rằng, chúng tôi ở Miền Nam cầm súng, hy sinh bảo vệ mình, bảo vệ quê mình là một thì các anh chị Miền Bắc phải từ biệt quê hương, mẹ già, vợ trẻ, con thơ vào chiến trường Miền Nam chiến đấu phải hy sinh gấp nhiều lần hơn. Chúng tôi mang ơn nghĩa đồng bào cả nước. Hòa bình rồi, cố gắng làm ăn để có nguồn lực cả vật chất và con người tìm cho bằng hết hài cốt liệt sĩ đặng đưa về quê mẹ. Phải làm hết sức mình, một cách trong sáng và đẹp đẽ nhứt đặng có nhiều ngôi nhà thân thương cho gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh còn nhiều khó khăn”.
Tôi thấu hiểu qua ánh mắt rưng rưng của anh và đặt câu thứ hai:
"Trông anh hiền lành thế này mà làm “tướng cướp” thật à?".
Nguyễn Thanh Điềm cười. Ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ bây giờ tôi mới nhận được nụ cười dễ mến của anh.
“Hổi ôi! Chuyện xưa lắm rồi!"
Chuyện xưa bắt đầu từ ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Thanh Điềm. Chuyện khổ đau bắt đầu từ năm 1950, mẹ qua đời, Điềm về ở với bà nội, tuổi đã 72. Bé Điềm lên sáu thì ba đi kháng chiến chống Pháp. Bà già yếu, cháu non nớt, bữa rau bữa cháo nuôi nhau. Đói đến mức thằng bé phải ăn chuối cả vỏ, mít cả xơ mà bụng vẫn lép xẹp. Bốn mùa trên người chỉ một bộ quần áo rách tả tơi. Bé Điềm phải đi ở đợ cho địa chủ. Đã hầu hạ con nhà giàu cùng trang lứa, lại còn bị chúng hoạnh họe, đánh đập quá đỗi. Giữa trời mưa lạnh chúng ném bé Điềm xuống ao rồi bắt cõng chúng đến trường học với cái lý ngạo mạn là “cho ấm người ngựa”.
Đã thế cái thằng gọi là cậu chủ còn mắng nhiếc Điềm và các bạn nghèo là ngu dốt. Khổ quá, suốt cả tuổi thơ ấu đến lớn Điềm chưa hề biết đến lớp học, chưa được một câu “thưa thầy”. Uất ức quá, không chịu nỗi tủi nhục, Điềm rủ các bạn nghèo lập nhóm “cướp” của nhà giàu chia cho bạn nghèo. Các bạn đều nghèo khổ, sức vóc chả bao nhiêu nhưng biết hợp sức. Con nhà giàu tuy phổng phao, nhưng đứa nào biết phận đứa ấy. Gặp nguy là tháo chạy, mỗi đứa một ngả, sống chết mặc bay. Có hôm Điềm dẫn đầu các bạn chặn đường bắt “cậu chủ” hét lớn “Không có tiền chuộc, chúng tao chém mày từng miếng một, ăn cho đỡ đói” Cậu chủ lạy rối rít. Chủ nhà phải đưa tiền chuộc. Nguyễn Thanh Điềm thành “tướng cướp” từ đấy. Tiếng lành đồn xa, tiếng ác cũng vậy. Người nghèo khen thằng bé quả cảm, kẻ giàu tìm cách xử tội.
Rồi một hôm có một cô phúc hậu ôm Điềm vào lòng. Giọng ấm áp “Cháu là đứa trẻ nghèo mà không hèn. Mưu trí, quả cảm, nhưng thôi làm tướng cướp nghen”. Cô lại hỏi: “Hôm ấy, cháu định giết cậu chủ thiệt hả?”, “Cháu chỉ dọa thôi”, “Thế hử, Vậy thì đi theo cô”. Sau này Điềm mới biết cô tốt bụng ấy là bà Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Năm 1959, Thanh Điềm được làm liên lạc rồi tham gia đội quân “đồng khởi”. Tháng 3/1961, Thanh Điềm được tuyển chọn vào lực lượng vũ trang tập trung tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với bí danh là Thục Xình. Bắt đầu cuộc đời quân báo với nhiều chiến công thầm lặng, góp phần xương máu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
“Đại tá Trần Quốc Việt, nguyên chỉ huy trưởng chỉ huy tỉnh đội Bến Tre nhận xét “Sau đồng khởi 1960 đến 1966 đồng chí Nguyễn Thanh Điềm tham gia quân báo huyện đội Châu Thành, Bến Tre, mang bí số J2, sau đó phục vụ an ninh T4 và đặc công biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn. Từ năm 1968 đến năm 1972, Thanh Điềm phục vụ trong ngành an ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trực thuôc an ninh Trung ương Cục Miền Nam. Sau ngày Miền Nam giải phóng đồng chí Nguyễn Thanh Điềm tiếp tục phục vụ công tác ngành an ninh, công an tỉnh Đồng Nai, góp phần tiêu diệt 10 tổ chức phản động âm mưu lật đổ chính quyền”.
Thấy anh tập tễnh, lắc lư đi lại, tôi hỏi câu thứ ba:
"Anh bị thương lúc nào? Đừng nói chung chung là trong chiến đấu đấy nha?"
Thanh Điềm gõ gõ chân xuống sàn cho khách biết chân không phải bằng xương bằng thịt, cười điềm đạm.
“Bị thương là vô da vô thịt, sao lại chung chung được cha nội".
Ấy là ngày 11/9/1966, Thanh Điềm được quân báo huyện Châu Thành giao nhiệm vụ nắm tình hình địch tại ấp 8, ấp chiến lược bến phà Rạch Miễu. Bị lọt vào vòng vây của địch. Chúng bắn như vãi đạn, gảy nát bàn chân phải, nhưng vẫn nén đau, bình tĩnh ném trả lại lựu đạn M26 của Mỹ sản xuất. Lựu đạn nổ, bọn địch kêu la chạy tán loạn. Thừa cơ, lực lượng vũ trang liên xã ào ạt tấn công phá vây. Mất bàn chân, nhưng phá được âm ưu hiểm độc của địch là được rồi”.
Sau này mải công việc, có lúc anh quên mất vết thương. Nhưng quên sao được. Anh là thương binh hạng A, loại 3/4
Thanh Điềm nheo nheo mắt nhìn tôi:
"Bây giờ tôi mới phỏng vấn phóng viên già, có hỏi thêm gì nữa không?"
Tôi biết ra Hà Nội lần này anh có nhiều công việc nên việc phỏng vấn tạm dừng ở đây. Hẹn lần sau nhé./.