PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Truyền thông ĐH Mỏ - Địa chất cho rằng điểm chuẩn các trường đại học còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thí sinh đăng ký, lựa chọn nguyện vọng. Song phổ điểm thi năm nay không có nhiều biến động so với năm 2021, do đó dự báo điểm chuẩn vào các ngành tại ĐH Mỏ - Địa chất cũng sẽ tương đối ổn định, một số ngành  có xu hướng “nhích” lên nhưng không đáng kể.

“Từ nhu cầu thực tế của xã hội, năm nay, ĐH Mỏ - Địa chất mở thêm một số ngành mới như Hóa dược, Quản lý phát triển đô thị và Bất động sản, Đá quý mỹ nghệ... Đây là những ngành rất cần cho xã hội, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động lớn, do đó dự báo điểm trúng tuyển cũng sẽ cao hơn một chút so với mức trung bình của trường.

Ngoài những ngành trên, hiện nay nhiều ngành như Tự động hóa, Điện điện tử, ngành Ô tô, Trắc địa, Bản đồ, Quản lý đất đai, Mỏ địa chất, Xây dựng công trình ngầm… rất cần thiết, nhu cầu tuyển dụng lớn. Thậm chí sinh viên chưa ra trường đã có việc làm, nhiều đơn vị đến tuyển người, nhưng nhà trường không có đủ sinh viên để giới thiệu. Có một thực tế rằng đây là những ngành “hot” khối kỹ thuật, nhưng điểm chuẩn dự kiến sẽ không tăng nhiều, do hiện nay nhiều thí sinh đang có xu hướng chuyển dịch từ khối ngành kỹ thuật sang kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Việt Hà cho biết.

Tư vấn cho thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, năm nay thí sinh có khoảng thời gian khá dài từ 21/7-20/8 để đăng ký và thay đổi không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học. Lưu ý, khi xét tuyển nếu thí sinh đủ điều kiện ở nguyện vọng nào thì hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó và những nguyện vọng phía sau không được xét tiếp, do đó thí sinh cần cân nhắc để sắp xếp thứ tự các nguyện vọng. Bên cạnh đó, khi đăng ký, thí sinh cũng cần tham khảo mức điểm chuẩn của các trường 2 năm gần nhất, phổ điểm thi các khối xét tuyển cũng như đối chiếu với điểm thi của bản thân để có sự sắp xếp phù hợp.

Còn tại ĐH Xây dựng, TS Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo thông tin, với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo điểm chuẩn vào các ngành tại ĐH Xây dựng có thể tăng nhẹ từ 0,5- 1 điểm tùy từng chuyên ngành.

“Một số ngành những năm gần đây thu hút nhiều thí sinh và điểm chuẩn ở top cao của trường như các chuyên ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Kiến trúc, Công nghệ thông tin. Dự kiến những ngành này điểm chuẩn cũng sẽ tăng từ 0,5-1 điểm. Bên cạnh đó, khảo sát của nhà trường cũng cho thấy, một số chương trình đào tạo mới như Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật ô tô, Kiến trúc và Quy hoạch, Kiến trúc cảnh quan, xã hội đều đang có nhu cầu rất lớn để đáp ứng quá trình phát triển, quy hoạch cơ sở hạ tầng”, TS Hồ Quốc Khánh cho biết.

Thầy Khánh cũng cho rằng, hiện nay dù nhu cầu nhân lực của xã hội rất lớn, nhưng nhiều ngành kỹ thuật vẫn chưa thực sự thu hút thí sinh do tính chất công việc tương đối vất vả, nhiều em có xu hướng dịch chuyển từ khối kỹ thuật sang khối kinh tế.

Còn theo GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay, phổ điểm các môn Khoa học tự nhiên tương đương với năm 2021, riêng môn tiếng Anh có 51% thí sinh trên 5 điểm, thấp hơn so với năm 2021.

Năm 2022, ĐH Khoa học Tự nhiên dành 70% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, dự báo mức điểm chuẩn sẽ không có nhiều biến động so với năm trước. Riêng môn tiếng Anh phổ điểm thấp hơn năm 2021 nên điểm chuẩn xét tuyển của tổ hợp có môn này có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhà trường chủ yếu xét tuyển các tổ hợp có nhiều môn Khoa học tự nhiên nên điểm trúng tuyển sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Với ĐH Giao thông vận tải, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo cho biết, điểm các môn nằm trong tổ hợp xét tuyển vào trường năm nay như Toán, Lý, Hóa đều có điểm trung bình từ 7-8. Năm nay, ĐH Giao thông vận tải dành khoảng 70-80% chỉ tiêu để xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, các ngành “hot” dự báo điểm trúng tuyển sẽ tăng nhẹ từ 0,5-1 điểm so với năm trước, các ngành truyền thống sẽ có điểm chuẩn tương tự năm ngoái.

Cụ thể, với các ngành như Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô, điểm chuẩn năm ngoái từ 24-25 điểm, thì năm nay có thể tăng lên 24,5-25,5 điểm. Các ngành như Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật cơ khí động lực có xu hướng giữ nguyên mức điểm như năm 2021./.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, với phổ điểm năm nay, nhiều tổ hợp xét tuyển không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyến.

Mức phân hóa của đề thi năm nay ổn định cơ bản như 2021. Tổ hợp đạt điểm tối đa 3 môn cũng giảm đi rõ rệt. Nhưng tổ hợp điểm nằm trong khoảng 24-26 điểm sẽ không có biến động lớn.

Điểm chuẩn các tổ hợp có Ngoại ngữ sẽ giảm rõ rệt, các tổ hợp xét tuyển có môn Lịch sử, Giáo dục công dân sẽ tăng rất rõ rệt. Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái.

Tổ hợp có môn Lý và Hóa, Địa lý đều có sự tăng nhẹ.

Tuy nhiên năm nay, với chính sách đổi mới xét tuyển của Bộ GD-ĐT bằng phần mềm thống nhất trên toàn quốc, để an toàn, để tuyển đủ số lượng, có thể nhiều trường sẽ lấy tăng hơn nhiều so với chỉ tiêu và từ đó lại dẫn đến không có sự chênh quá lớn về điểm sàn để xét tuyển so với năm trước.