Thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, ngày 31/8/2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố Quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra-basa của Việt Nam. Đợt rà soát được DOC tiến hành từ 3/10/2011.

Theo đó mức thuế tạm thời đối với tất cả các công ty bị đơn bắt buộc đều là 0,00%, mức thuế tạm thời cho cá bị đơn tự nguyện (các doanh nghiệp không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyện tham gia vụ điều tra) dựa trên mức trung bình của thuế cho các bị đơn bắt buộc là 0,00% và mức thuế suất toàn quốc (dành cho các nhà xuất khẩu còn lại không được chọn làm bị đơn bắt buộc và không tự nguyện tham gia vụ điều tra hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ) là 2,11%.

Cụ thể như sau: 

Doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu

Biên độ phá giá (USD/Kg)

Tập đoàn Vĩnh Hoàn

0.00

Công ty Cổ phần Anvifish

0.00

Mức thuế riêng rẽ

0.00

Mức thuế toàn quốc

2.11

Đây được coi là mức thuế thấp nhất so với các đợt rà soát hành chính trước đây và là điểm khởi đầu rất thuận lợi cho việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra quyết định cuối cùng của POR8 dự kiến vào đầu năm 2013 tới.

Cùng với kết quả khả quan của cuộc rà soát hành chính lần thứ 6, 7 ( trong đó các bị đơn bắt buộc và tự nguyện đều nhận mức thuế thấp từ 0.00 – 0.03%), kết quả sơ bộ của POR8 cho thấy sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Chính phủ, Hiệp hội VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam và luật sư tư vấn trong việc cập nhật thông tin, theo dõi sát sao diễn biến của vụ việc trong từng giai đoạn; đồng thời nắm rõ các yêu cầu kỹ thuật và quy định pháp luật để đánh giá tình hình và có những bước đi thích hợp nhằm đảm bảo lợi ích lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Một trong những bước đi thích hợp đó là việc các cơ quan hữu quan Việt Nam đã tích cực, chủ động thu thập dữ liệu, bằng chứng và xây dựng lập luận, lý lẽ để đề nghị DOC để sử dụng Bangladesh làm nước thay thế khi tính toán biên độ phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam trong các đợt rà soát hành chính tiếp theo của vụ kiện.

Đối với trường hợp nước có nền kinh tế bị coi là phi thị trường, thông thường DOC sẽ định giá đầu vào bằng cách sử dụng các giá trị thay thế từ một nước thay thế (chứ không lấy chi phí thực tế mà bị đơn đã chi trả). Do đó, việc DOC lựa chọn nước nào là nước thay thế có vai trò quan trọng và có tác động đáng kể tới biên độ phá giá của các doanh nghiệp bị đơn./.