Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ tháng 7/2011. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng điện năng đến năm 2020 sản lượng đạt khoảng từ 330 - 360 tỷ kWh và khoảng 700 - 800 tỷ kWh đến năm 2030.
Sau 4 năm triển khai, công suất nguồn điện toàn hệ thống tăng nhanh, sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân gần 11%/năm, góp phần tích cực bảo đảm cung cấp đủ điện cho đất nước và còn có dự phòng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VII, một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, phát triển lưới điện truyền tải 220 kV đạt thấp đã ảnh hưởng đến đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.
Do đó, hồi đầu tháng 4/2015, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, tập đoàn, hội đồng thẩm định để hoàn thiện Dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.
Chọn tốc độ tăng trưởng GDP chưa phù hợp
Theo phân tích của các chuyên gia của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), dự báo nhu cầu điện là khâu quan trọng nhất trong quy hoạch phát triển điện. Dự báo chính xác hoặc tương đối chính xác sẽ giúp cho sự phát triển hài hòa của nguồn điện, lưới truyền tải và phân phối điện.
Các chuyên gia của GreenID cho rằng, trong Quy hoạch điện VII, nhu cầu điện năng được dự báo quá lớn. Nguyên nhân sâu xa của việc này là do chọn tốc độ tăng trưởng GDP chưa phù hợp, thiên cao khá xa so với thực tế. Cụ thể, GDP chọn cho giai đoạn từ 2010 - 2015 của nước ta sẽ tăng từ 7,5% - 8%, nhưng thực tế chỉ đạt từ 6% - 6,5%.
Điều đáng nói là giữa mục tiêu phát triển và phát triển bền vững, Quy hoạch điện VII thiên về mục tiêu phát triển. Các mục tiêu về xã hội và bảo vệ môi trường mới chỉ được khuyến khích và không đưa vào kế hoạch thực thi. Quy hoạch đã lựa chọn phát triển nhiệt điện than với tỷ trọng tới 56% trong tổng sản lượng năm 2030. Điều này gây áp lực quá lớn đối với môi trường và xã hội, đặc biệt là việc nhập khẩp khẩu số lượng than lớn trở nên khó hoặc không khả thi.
Dự báo công suất và điện lượng năm 2020 theo Quy hoạch điện VII. (Đồ họa: GreenID) |
Mặt khác, Quy hoạch điện VII chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu điện. Quy hoạch điện VII đặt ưu tiên vào mục tiêu phát triển kinh tế chưa chú ý và quan tâm đầy đủ tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Dự báo lại sẽ giảm gánh nặng đầu tư
Để đóng góp vào khắc phục những bất cập còn tồn tại, các chuyên gia GreenID và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tiến hành tính toán dự báo nhu cầu điện cho giai đoạn tương ứng trong Quy hoạch điện VII. Theo đó, trong dự báo do GreenID thực hiện, phương án cơ sở có nhu cầu điện năm 2030 là 464,7 tỷ KWh, chỉ bằng 76% dự báo của Quy hoạch điện VII.
Đối với phương án tiết kiệm điện, khi xem xét đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhu cầu điện vào 2030 là 407 tỷ KWh, chỉ bằng 66% của Quy hoạch điện VII. Dự báo nhu cầu của GreenID cũng đảm bảo hệ số đàn hồi điện đạt được mục tiêu mà Quy hoạch điện VII đề ra là giảm dần xuống dưới 1 vào năm 2030. Đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế theo chỉ số GDP mà Chính phủ đặt ra trong giai đoạn tới ở mức khoảng 7%.
Xét về giá trị tuyệt đối của điện sản xuất, phương án tiết kiệm do GreenID đề xuất sẽ giúp giảm được 223 tỷ KWh so với Quy hoạch điện VII vào năm 2030. Điều này có ý nghĩa tương đương với việc có thể cắt giảm được 13,7 tỷ KWh từ nguồn điện nguyên tử và 194 tỷ KWh từ nguồn điện than nhập khẩu.
Với việc giảm dự báo nhu cầu điện, tăng khả năng tiết kiệm điện để cắt giảm nguồn điện, Việt Nam có thể không cần đầu tư xây dựng 5.000 MW điện nguyên tử và 30.000 tới 40.000 MW nhiệt điện than xây mới. Thay vào đó có thể sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu. Điều này cũng sẽ dẫn tới giảm gánh nặng cho vốn đầu tư, chi phí vận hành, giảm đáng kể các tác động của nhiệt than đối với môi trường, đặc biệt biến đối khí hậu.
Để thực hiện được những giải pháp này, các chuyên gia GreenID cho rằng, Chính phủ cần đưa giải pháp tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng, năng lượng tiết kiệm sẽ trở thành một nguồn cung quan trọng để đáp ứng nhu cầu. Quan trọng nhất là các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải trở thành bắt buộc, được kế hoạch hóa, không thể chỉ khuyến khích như hiện nay.
Trên cơ sở cân nhắc lại nhu cầu, cập nhật giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác nhau, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần đảm bảo sự cân đối và đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng. Cần đẩy mạnh tăng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch ở mức độ cao hơn trong quy hoạch điện hiện tại.
Để phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, cần rỡ bỏ các rào cản về chính sách, cần đưa chi phí môi trường xã hội trở thành một yếu tố cấu thành giá điện, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch đồng thời cần xây dựng Luật năng lượng tái tạo trong tương lai gần.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần rà soát lại các nhà máy nhiệt điện đốt than, loại bỏ những nhà máy có khả năng gây tác động lớn và tiêu cực tới môi trường, xã hội và có hiệu quả kinh tế thấp./.